Điểm sáng tích cực từ Chính sách khoán bảo vệ rừng chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tại Khu BTTN Pù Huống

Thứ ba - 12/12/2023 22:23
Ngày 12/7/2022 Phó Thủ Tướng  Lê Văn Thành ký ban hành Quyết định số 809/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm 2021 đến năm 2025.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp; phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ, lưu giữ các-bon từ rừng, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, bên cạnh các nhiệm vụ chủ yếu để phát triển lâm nghiệp bền vững, Chính phủ cũng đã nêu rõ có 4 nội dung ưu tiên đầu tư Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021- 2025 gồm:
1.Về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ven biển:
- Đầu tư bảo vệ và phát triển bền vững đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên hiện có, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng.
- Đầu tư khôi phục, phát triển hệ thống rừng phòng hộ, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển với suất đầu tư được xác định theo đúng định mức kinh tế - kỹ thuật và điều kiện cụ thể của nơi trồng.
- Đầu tư trang thiết bị bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng; xây dựng kết cấu hạ tầng bảo vệ rừng, bảo tồn, phát triển rừng tại các Ban Quản lý rừng, đảm bảo đủ điều kiện cho các hoạt động thường xuyên, cho công tác tuần tra bảo vệ rừng. Hỗ trợ xây dựng đường lâm nghiệp cho các đơn vị, địa phương có vùng nguyên liệu tập trung, nơi có điều kiện kinh tế xã hội, khó khăn.
- Tổ chức thực hiện các dự án: điều tra, đánh giá và giám sát tài nguyên rừng toàn quốc; xây dựng, hoàn thiện, vận hành hệ thống giám sát rừng tự động phát hiện cháy rừng; ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều tra, giám sát tài nguyên rừng.
2. Phát triển giống cây lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn
- Đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển giống cây lâm nghiệp và lâm sản ngoài gỗ, gồm: chọn, tạo, chuyển giao, sản xuất, cung ứng giống theo hướng công nghiệp, hiện đại, tạo đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm.
- Hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, rừng chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
3. Phát triển lâm sản ngoài gỗ
- Hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ theo thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền; xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung cây lâm sản ngoài gỗ gắn với phát triển công nghiệp chế biến, tạo những sản phẩm đặc trưng cho từng vùng và phù hợp với nhu cầu của thị trường.
4. Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản
- Hỗ trợ đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản theo cơ chế, chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn và quy định của pháp luật liên quan.
Từ 4 nội dung ưu tiên trên có thể thấy rằng để hoàn thành mục tiêu Chương trình đề ra thì công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học phải là hoạt động đầu tiên, hoạt động cốt lõi để làm tiền đề cho các hoạt động khác.
Nghệ An là địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước với hơn 1 triệu ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên gần 800 nghìn ha, độ che phủ rừng đạt gần 60%. Để triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh Nghệ An chú trọng tập trung quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có; phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học; sử dụng và cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo hài hoà bảo vệ rừng và phát triển du lịch sinh thái; phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng, hay nói cách khác là phát huy giá trị đa dụng của rừng. Đặc biệt đối với các khu vực có tính đa dạng cao như Vườn quốc gia Pù Mát, Khu BTTN Pù Huống, Khu BTTN Pù Hoạt thì ưu tiên hàng đầu là tập trung quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có; phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên.
Ngày 30/6/2023 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 1883/QĐ-UBND về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2023 trong đó đã dành phần nhiều kinh phí của Chương trình để triển khai thực hiện giao khoán bảo vệ rừng nhằm tăng nguồn lực hỗ trợ trong công tác bảo vệ rừng. Tại Quyết định 1883/QĐ-UBND, BQL Khu BTTN Pù Huống được phân bổ kinh phí hơn 5 tỷ đồng để thực hiện hoạt động giao khoán rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
 
Một thoáng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống
 
Cứ vào dịp đầu năm đơn vị đã tiến hành làm việc với chính quyền địa phương, các thôn bản vùng đệm để tiến hành tổ chức họp dân, lựa chọn các Cộng đồng, các hộ gia đình có đủ điều kiện, tiêu chí để tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Hàng tháng, các nhóm trưởng trong cộng đồng sẽ lên kế hoạch cụ thể phân công 6 - 8 tổ luân phiên túc trực, tuần tra bảo vệ rừng. Ngoài lịch phân công hàng tháng theo kế hoạch, anh em còn phối hợp với kiểm lâm địa bàn thực hiện các đợt tuần tra, giám sát rừng đột xuất hoặc khi được điều động từ lãnh đạo Khu BTTN Pù Huống. Sau mỗi đợt tuần tra, các thành viên trong tổ đội sẽ có báo cáo nhanh với nhóm trưởng để báo cáo với cán bộ trạm QLBVR phụ trách. Hàng tháng có họp để đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ rừng trong tháng và chấm công cho các thành viên. Kết quả tuần tra, bảng chấm công cũng là căn cứ để BQL Khu BTTN Pù Huống chi trả tiền khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng nhận khoán. Vì vậy tất cả cộng đồng nhận khoán ai ai cũng đều ý thức được trách nhiệm bảo vệ rừng của mình.
 
DSC02530
Cán bộ Trạm QLBVR Pù Huống làm việc với các cộng đồng nhận khoán BVR
Với mức hỗ trợ 400 nghìn đồng/năm/ha, bình quân mỗi hộ gia đình trong cộng đồng được nhận từ 8-12 triệu đồng mỗi năm. Tất cả số tiền trên đều được chi trả đến tận tay các cộng đồng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng sau khi đã được BQL Khu BTTN Pù Huống nghiệm thu đạt kết quả bảo vệ rừng tốt. Anh Lô Văn Tùng cán bộ tham gia bảo vệ rừng xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp cho biết: “Số tiền này tuy không nhiều nhưng đã góp phần cải thiện đời sống cho gia đình chúng tôi, được tham gia bảo vệ rừng vừa để kiếm thêm thu nhập, vừa để giữ lấy những cánh rừng mà bao thế hệ cha ông của chúng tôi đã gắn bó. Còn đối với anh Lô Văn Nguyên xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu tâm sự : “tôi bảo vệ rừng vừa được chi trả tiền từ Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và bảo vệ rừng ở đây cũng chính là bảo vệ chính môi trường sống của chính chúng tôi, bởi lẽ dân làng chúng tôi sống giữa rừng, rừng cung cấp cho chúng tôi khí thở, nguồn nước, thực phẩm…và rất nhiều giá trị khác, bây giờ, một cây rừng bị mất, một tấc đất bị lấn chiếm thì ngoài trách nhiệm phải chịu, dân làng chúng tôi còn ý thức sẽ gây tổn hại đến môi trường sinh thái sau này. Ý thức được điều đó, hầu hết người dân trong các thôn, bản đều xin tham gia vào Cộng đồng nhận khoán, bảo vệ rừng”.
Với kinh phí được phân bổ trong năm 2023 từ Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, đơn vị BQL Khu BTTN Pù Huống đã thực hiện hỗ trợ giao khoán bảo vệ trên 13 nghìn ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ cho 31 cộng động thôn bản với tổng kinh phí hỗ trợ trên 5 tỷ đồng. Hoạt động giao khoán thu hút sự tham gia của hơn 1 nghìn hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người kinh nghèo sinh sống ổn định tại 14 xã khu vực khó khăn trên địa bàn.
Theo kết quả tổng hợp từ Hạt kiểm lâm Pù Huống cho thấy trong năm qua, lực lượng tuần tra bảo vệ rừng của các cộng đồng nhận khoán đã phát hiện, phối hợp kiểm lâm viên, cán bộ các trạm QLBVR xử lý một số vụ có dấu hiệu vi phạm vào khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, tăng sức mạnh hiệu quả trong các đợt tuần tra rừng, làm giảm các hoạt động xâm hại tới rừng BQL Khu BTTN Pù Huống.
Từ khi BQL Khu BTTN Pù Huống triển khai chính sách giao khoán bảo vệ rừng đã đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ rừng. Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác trong công tác bảo vệ rừng thì hoạt động giao khoán bảo vệ rừng đến Cộng đồng thôn bản, đến các hộ gia đình đã và đang thực sự mang lại hiệu quả, nâng tầm nhận thức và thay đổi hành động của mỗi người dân trong công tác bảo vệ rừng.
Việc thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Khu BTTN Pù Huống đã phần nào đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Các cộng đồng nhận khoán chính là cánh tay nối dài, là tai mắt của các cán bộ kiểm lâm viên, cán bộ QLBVR tại địa bàn. Đây cũng chính là bộ phận tăng thêm sức mạnh trong các đợt tuần tra bảo vệ rừng, từ đó rừng được tuần tra bảo vệ thường xuyên, liên tục hơn thông qua hoạt động các tổ, nhóm bảo vệ rừng.
Diện tích rừng được quản lý, bảo vệ tốt hơn. Tình hình an ninh rừng cơ bản được bảo vệ, kiểm soát và ổn định. Đồng bào có thêm thu nhập, mối quan hệ giữa cộng đồng vùng đệm và lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị ngày càng gắn bó, nhận thức của đồng bào về công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên chính là minh chứng rõ nhất từ hiệu quả của Chương trình mang lại.

Một số hình ảnh trong công tác giao khoán
 
Các hộ dân phối hợp với cán bộ Pù Huống trong công tác tuần tra bảo vệ rừng
 
Tổ đội tuần tra bảo vệ rừng bản Mét – xã Bình Chuẩn
 
Hoạt động tuần tra bảo vệ rừng trong vùng lõi Pù Huống

                                                                                                    Tác giả bài viết: Lê Thị Mai - Phòng KHKT&HTQT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Thống kê
  • Đang truy cập85
  • Hôm nay16,321
  • Tháng hiện tại50,102
  • Tổng lượt truy cập658,223
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây