Diện tích rừng tự nhiên trải dài trên địa giới hành chính của 15 xã và 5 huyện, địa hình phức tạp, giao thông cách trở, khó khăn cho công tác nghiên cứu, bảo tồn cũng như giới thiệu giá trị tài nguyên thực vật rừng trong khu bảo tồn tới công chúng. Vì vậy bên cạnh biện pháp bảo tồn nội vi (In situ) thì biện pháp bảo tồn ngoại vi (Ex situ conservation) là rất cần thiết trong công tác bảo tồn.
Năm 2002, Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống được thành lập đã tiến hành xây dựng vườn thực vật ngoại vi có diện tích 10,76 ha, được chia thành 9 phân khu với mục đích bảo tồn nguồn gen các loài thực vật quý hiếm, các loài cây bản địa và các loài cây có giá trị kinh tế cao góp phần nâng cao nhận thức của người dân cũng như cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo tồn tính đa dạng sinh học. Đồng thời vườn thực vật còn là nơi phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, cải thiện môi trường sinh thái.
Vườn nằm trong phân khu hành chính của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống thuộc địa phận khối 7 thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.
Đường vào khe nước Lạnh trong phân khu Vườn thực vật
Sau 20 năm thành lập, vườn đã trồng được 119 loài cây bản địa, trong đó có nhiều loài cây quý hiếm như: Lim xanh (Erythrophlorum fordii Oliv), Chò chỉ (Parashorea chinensis Wang Hsie), Kim giao (Podocarpus fleuryi Hickel), Mun (Diospyros mun Lecomte), ... với những khoảng rừng khép tán.
Một góc phân khu Vườn thực vật.
Với lợi thế vườn nằm ngay trung tâm thị trấn Quỳ Hợp, giao thông đi lại thuận lợi nên đây chính là điểm đến hấp dẫn và lý tưởng của người dân Quỳ Hợp nói riêng và người dân miền Tây xứ Nghệ nói chung. Đặc biệt vào những ngày hè nắng nóng, đến với vườn thực vật mọi người sẽ được cảm nhận và tận hưởng bầu không khí mát mẻ và trong lành, được hòa mình vào dòng khe Lạnh tự nhiên với dòng nước mát lạnh được hình thành từ trong lòng đất.
Dòng khe Lạnh chảy qua Vườn thực vật ngoại vi
Hình ảnh học sinh tham quan, học tập tại Vườn thực vật ngoại vi.
Với chiến lược, mục tiêu xây dựng vườn thực vật Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đang hướng tới thì trong một tương lai không xa nơi đây sẽ trở thành một bảo tàng sống về các loài thực vật nhiệt đới, là nơi lưu giữ nguồn gen thực vật có tầm cỡ của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Tiến tới xây dựng đề án du lịch sinh thái tại vườn, cũng như kết nối các điểm du lịch vệ tinh hướng đến đây sẽ là nơi tham quan học tập, nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên, các nhà khoa học và là một điểm du lịch sinh thái trong hành trình du lịch về với miền Tây xứ Nghệ.