Từ việc lâm tặc sát hại bất thành
Trên lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ có một cây giáng hương có tuổi đời đã hàng trăm năm tuổi. Cây giáng hương này có bán kính gần 2m, đường kính gần 6m và cao hơn 40m.
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, toàn bộ cây giáng hương này có trữ lượng khoảng 40m3 gỗ với giá trị hơn 4 tỉ đồng vào thời điểm hiện nay.
Tháng 8.2020, lâm tặc đã từng nhòm ngó và bày mưu tính kế sát hại cây hương thuộc loại hiếm có này để lấy gỗ. Thời điểm đó, thời tiết đang là mùa mưa, kết hợp với đêm tối nên lâm tặc đã dùng cưa máy để đốn hạ cây giáng hương.
"Lúc đó khoảng 20h, tôi cùng một người khác trong đơn vị nghe thấy tiếng cưa máy vang lên giữa núi rừng. Linh cảm cây giáng hương sẽ gặp chuyện chẳng lành nên tôi và đồng nghiệp tức tốc chạy đến chỗ cây hương nằm cách trạm quản lý bảo vệ rừng khoảng 1km. Nghe thấy tiếng người xuất hiện, lâm tặc đã nhanh chân tháo chạy khỏi hiện trường" - anh Đỗ Xuân Trường - cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ nhớ lại.
Sau khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng xác định cây giáng hương đã bị lâm tắc cưa vòng quanh cây với chiều dài hơn 2m, nơi sâu nhất khoảng 40cm.
"Thời điểm đó, chúng tôi nghĩ cây giáng hương này khó lòng sống nổi vì đã bị lâm tặc ra tay tàn bạo. Thế nhưng, qua thời gian, cây giáng hương ở rừng phòng hộ Thác Mơ vẫn đứng sừng sững, vết thương dần được hồi phục.
Việc cây hương thoát chết kỳ diệu khiến cho anh em quản lý bảo vệ rừng nơi đây rất vui mừng vì đã góp được một phần công sức trong việc giữ gìn gỗ quý và bảo vệ sự bình yên cho đại ngàn" - anh Trường phấn khởi.
Đến cây giáng hương độc nhất ở Đắk Nông
Những ngày qua, các cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ còn đón nhận thêm niềm vui lớn khác. Đó là việc cây giáng hương ở lâm phần do của đơn vị quản lý được công nhận là Cây di sản với kỷ lục là 437 năm tuổi.
Theo ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ thì cây giáng hương này là cây hương độc nhất vô nhị không chỉ nằm trên toàn bộ lâm phần rộng gần 7.000ha do đơn vị quản lý. Xét rộng ra trên phạm vi toàn tỉnh thì cây giáng hương này cũng có thêm nhiều kỷ lục khác như có tuổi đời, chiều cao, bán kính, đường kính thân, rễ to lớn nhất tỉnh.
Việc cây giáng hương được công nhận là Cây di sản không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của tất cả các thành viên trong đơn vị. Điều này cũng cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khó của người giữ rừng nơi đây.
"Ở đơn vị, ai cũng xem cây giáng hương này như báu vật nên vô cùng quý trọng, nâng niu với tình cảm thiêng liêng. Xuất phát từ tình cảm chân thành và trách nhiệm lớn lao đó, mỗi cán bộ, nhân viên trong đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng... chung tay bảo vệ cây di sản này bằng mọi giá" - ông Khương tỏ rõ quyết tâm.
Nguồn tin: laodong.vn