Bảo tồn thiên nhiên gắn liền gìn giữ các bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái

Thứ tư - 19/10/2022 22:50
 Vùng đệm Khu BTTN Pù Huống trải rộng trên 125 bản, 13 xã thuộc 5 huyện miền núi của tỉnh Nghệ An gồm Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông và Tương Dương. Cư dân vùng đệm Khu BTTN Pù Huống chủ yếu là dân tộc Thái (chiếm 90%). Họ sinh sống trong khu vực giáp ranh với những cánh rừng nguyên sinh với sự đa dạng phong phú về hệ động thực vật, hội tụ sông, suối, núi đồi. Những cánh đồng lúa bên cánh rừng bốn mùa xanh ngắt tạo nên một bức tranh nên thơ nơi núi rừng xứ Nghệ.
Đặc điểm văn hóa và địa lý gắn bó với thiên nhiên nên việc sử dụng các sản vật rừng trong các bữa ăn hàng ngày là nét đặc trưng của người Thái. Đối với người Thái, các món ăn thể hiện sự kết hợp hài hòa của sông suối, núi rừng và góp phần tạo nên tính cách chất phác và hiếu khách của cộng đồng này. Trong bữa ăn của cộng đồng người Thái ở vùng đệm Khu BTTN Pù Huống không thể thiếu món “nhoọc”. Chúng ta có thể tìm thấy món ăn này trong bữa cơm hàng người của cộng đồng người Thái ở các xã Nam Sơn, Bắc Sơn (huyện Quỳ Hợp), Nga My, Xiêng My (Tương Dương) hay Quang Phong, Cắm Muộn (Quế Phong). Đây chính là món ăn đậm chất núi rừng nhất của người Thái. Bởi nguyên liệu để chế biến món ăn này chủ yếu từ các sản vật rừng như măng, dọc mùng, quả cà dại, hạt “mác khén”, thịt sóc, chuột sấy khô trên gác bếp... Món ăn thậm chí được đun bằng ống nứa này là thứ khoái khẩu nhất của cộng đồng người Thái, nhất là về mùa đông. Tuy nhiên ngày nay, để phù hợp hơn với chính sách bảo tồn đa dạng sinh học của nhà nước, các cộng đồng làng bản đã thay thế thịt sóc bằng các vật nuôi khác như lợn, gà… Thế nhưng hương vị của món “nhoọc” thì vẫn không vì thế mà thay đổi. Đây chỉ là một ví dụ điển hình về ẩm thực người Thái ở vùng đệm Khu BTTN Pù Huống, những cộng đồng có đời sống, kinh tế, văn hóa gắn liền với những khu rừng.
image 20221020083011 1
Món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc Thái
Cũng như nhiều cộng đồng thiểu số khác, từ lâu người Thái cư ngụ trong vùng đệm Khu BTTN Pù Huống đã biết sử dụng những cây thảo mộc trong rừng để chữa bệnh. Nhiều người ở các thôn bản vùng Diên Lãm (Quỳ Châu) biết cách dùng cây môn thục và những thứ lá cây khác để giúp phụ nữ phục hồi sức khỏe nhanh chóng sau sinh nở. Nhiều loài thảo dược dùng trong những bài thuốc chữa rắn độc cắn, trị xương khớp… Có thể thấy rằng, vùng đệm cũng như vùng đặc dụng Khu BTTN Pù Huống là một kho dược liệu quý mà từ lâu người dân nơi đây đã sở hữu bí quyết biến cây rừng thành bài thuốc. Việc bảo vệ đa dạng sinh học cũng góp phần tạo nguồn lợi cho bà con trên địa bàn, đồng thời góp phần bảo tồn những bài thuốc hay trong dân gian.
Đồng bào Thái thuộc vùng đệm Khu BTTN Pù Huống chủ yếu sinh sống trong những ngôi nhà sàn đầm ấm, các thế hệ sống gắn bó với nhau dưới một mái nhà. Nhà Sàn của nhà của người Thái trên địa bàn thường có hai gian hồi để trống và có lan can bao quanh. Khung cửa ra vào và cửa sổ có nhiều hình thức trang trí thể hiện quan niệm tín ngưỡng của cộng đồng. Vách thường được đan bằng tre, nứa tạo thành các phên. Ván gỗ, sạp tre cũng được dùng làm sàn và vách. Mái nhà lợp bằng lá tranh, lá cọ. Hầu như tất cả các kết cấu của ngôi nhà sàn truyền tống của người Thái đều lấy từ rừng. Tuy nhiên trong xu thế mới, trước sự khan hiếm của gỗ rừng, cùng với sự ủng hộ chính sách đóng cửa rừng, để bảo tồn các loài gỗ quý, nhiều nơi bà con đã bắt đầu “bê tông hóa” nhà sàn. Các kết cấu như cột, xà, hạ, thậm chí là vách được xây bằng gạch vữa. Theo những dân bản ở xã Bình Chuẩn huyện Con Cuông thì cách làm này vừa đảm bảo được việc gìn gữ kiến trúc nhà sàn vừa góp phần bảo vệ rừng.
Phải nói rừng, từ lâu ý thức bảo vệ rừng đã ăn sâu vào nếp sống văn hóa của nhiều cộng đồng bản Thái. Tại nhiều thôn bản có tập tục vào một số ngày nhất định trong năm, bà con có tục kiêng không động đến con dao, cái rìu để chặt cây rừng. Đó là ngày “Cắm Phạ” (kiêng trời), một tập tục cổ xưa giờ vẫn được nhiều cộng đông gìn giữ.
Từ bản sắc văn hóa cũng như kinh tế, người Thái từ cổ xưa đã  sống phụ thuộc nhiều vào rừng. Họ phá rừng, canh tác nương rẫy, khai thác gỗ rừng làm nhà, să bắt thú rừng làm thực phẩm. Những thập niên gân đây bà con đã biết khai thác các nguồn lợi từ rừng vì mục đích thương mại. Tuy nhiên cách khai thác hiện nay vẫn chưa thể gọi là bền vững, vẫn gây nguy hại đối với nhiều vùng rừng có giá trị đặc biệt về kinh tế cũng như mặt đa dạng sinh học.  
image 20221020083011 2
Những thực phẩm người Thái thu hái trong rừng
 
image 20221020083011 3
Nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái

Năm 2002 Ban quản lý khu BTTN Pù Huống đi vào hoạt động đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc khai thác các sản phẩm từ rừng. Việc sản xuất nương rẫy của người dân đã đúng vùng quy hoạch, chuyển đổi trồng nếp rẫy sang trồng nếp ruộng; sử dụng gỗ làm nhà và các vật liệu thay thế … người dân đã có ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó các chương trình dự án nhằm hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng đệm cũng đã được triển khai như: Dự án bảo vệ rừng do Chính phủ Đan Mạch tài trợ từ năm 2003 đến 2006; Dự án VCF từ năm 2009 đến 2012; dự án giao khoán quản lý bảo vệ rừng chương trình dự án 661, 30a, Nghị định số 75/2015/NĐ-CP; chi trả dịch vụ môi trường rừng; Chia sẽ lợi ích trong cộng đồng từ việc bảo vệ rừng và sinh kế của người dân.
image 20221020083011 4
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lâm nghiệp đến các thôn bản
Hiện nay các giá trị văn hóa của người Thái đều thể hiện được ý nghĩa của việc bảo vệ rừng gắn với bảo tồn văn hóa bản sắc dân tộc; vừa mang giá trị sinh thái, bảo vệ môi trường, vừa có ý nghĩa giáo dục, giữ gìn phong tục của cha ông, hướng tới cuộc sống no ấm.

Tác giả: Võ Minh Sơn Phó giám đốc

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Thống kê
  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm72
  • Hôm nay16,321
  • Tháng hiện tại50,379
  • Tổng lượt truy cập658,500
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây