Jun và Gold là hai chú voi con thoát chết kỳ diệu và đã trưởng thành khỏe mạnh nhờ sự cứu giúp của những “bảo mẫu”, “cha nuôi” ở Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk.
“Công việc rất vất vả, đôi lúc nguy hiểm nhưng không kém phần thú vị. Bởi Jun và Gold khá thông minh và ngoan như hai đứa trẻ” - anh Cao Xuân Ninh (32 tuổi) nói.
Anh Cao Xuân Ninh và anh Y Diệu chăm sóc voi bằng tình yêu thương thay vì bạo lực. Ảnh: HT |
Hiện nay, Gold và Jun đã trưởng thành và có sức khỏe ổn định. Ảnh: HT |
Hành trình kỳ diệu của Jun và Gold
Jun và Gold đang chậm rãi ăn thức ăn ở phía bên kia của khu vườn. Chúng tôi xin phép để đến gần ghi hình thì anh Ninh bảo: “Để tôi gọi chúng lại gần cho tiện”.
Thấy chúng tôi có vẻ không tin, anh Ninh liền gọi lớn: “Gold, Gold, Gold!” thì chú voi lập tức tiến lại gần trong sự ngạc nhiên của chúng tôi. Anh Ninh kéo vòi nước, khởi động máy bơm để tắm cho voi và kể về hành trình cứu sống Gold và Jun.
Năm 2016, người dân phát hiện một con voi con bị rơi xuống giếng tại một khu rẫy nên trình báo đến cơ quan chức năng. Nhận được thông tin, nhiều cán bộ của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk nhanh chóng có mặt để ứng cứu voi.
“Lúc đó, voi bị ngập trong bùn nên yếu ớt, chỉ có phần vòi là ở bên trên. Con voi la hét đến khàn giọng. Sau khi cứu con voi lên, các anh em phải nhanh chóng dội rửa thân mình voi và cho uống sữa để nó dần hồi phục” - anh Ninh kể.
Sau khi Gold khỏe hơn, những người ở Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk quyết định thả voi về tự nhiên với hy vọng nó sẽ tìm thấy mẹ để bú sữa. Mặc dù vậy, sau nhiều lần thả về tự nhiên, Gold vẫn không theo bầy được nên đơn vị đã quyết định đưa về trung tâm để nuôi dưỡng. Hiện nay, Gold đã bảy tuổi, sức khỏe tốt nhưng phần ngà đã bị hư hỏng.
"Anh Y Diệu tâm sự công việc của các anh không có giờ giấc cụ thể, có khi phải thức 24/24 giờ."
“Sau khi giải cứu, đưa Gold về trung tâm, đơn vị đã tìm kiếm sữa ngoài cho voi con uống. Sau một thời gian, Gold dần thích ứng với loại sữa này. Ngoài ra, để voi ổn định, các anh em phải thay nhau chăm sóc, yêu thương nó. Chăm Gold như chăm một đứa trẻ, phải thức đêm thức hôm, cứ 2-3 tiếng đồng hồ lại phải cho voi uống sữa và theo dõi sức khỏe của nó” - anh Ninh chia sẻ.
Cũng theo anh Ninh, hồi dịp tết Nguyên đán 2015, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk phối hợp với Vườn quốc gia Yok Đôn để cứu sống Jun khi nó đang bị mắc bẫy.
Lúc đó Jun rất yếu ớt, phần chân bị dính bẫy nên bị thương nặng, vòi của nó gần như bị đứt. Sau khi được giải cứu, Jun được đưa về trung tâm để nuôi dưỡng. Cũng như Gold, khi được đưa về chăm sóc, Jun cũng “làm khổ” Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk rất nhiều. Bởi vòi, chân bị thương nên Jun đi lại khó khăn. Hơn nữa, Jun là voi rừng nên quá trình chăm sóc cũng không hề dễ dàng.
Theo anh Ninh, việc chăm sóc voi rừng khó khăn ở chỗ, nếu không để ý thì đôi khi gặp nguy hiểm. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe, theo dõi thường xuyên tình trạng của con voi, các anh cũng phải thường xuyên liên hệ với một số tổ chức, đơn vị để học hỏi thêm kinh nghiệm.
Góp sức bảo tồn voi ở Tây Nguyên
Đã bảy năm trôi qua, hiện nay Jun 10 tuổi, còn Gold bảy tuổi và có sức khỏe ổn định. Đó là điều mà anh Ninh, anh Y Diệu và các thành viên khác ở đơn vị cảm thấy rất hạnh phúc với hy vọng đóng góp một phần vào công việc bảo tồn voi trên Tây Nguyên đại ngàn.
Chăm sóc bằng tình thương
Theo anh Ninh, nếu chỉ kể tên các công việc trong một ngày thì gói gọn trong việc chăm sóc, huấn luyện và đọc hành vi của voi.
Vậy nhưng chứng kiến một ngày làm việc của các anh mới thấy bên cạnh là “ông bố chăm con”, “bác sĩ thú y”, các anh còn phải làm hàng chục công việc không tên khác.
“Bắt đầu từ cái đơn giản nhất, ví như khi muốn voi làm theo một hiệu lệnh nào đó thì phải dùng đồ ăn để dụ chúng và phải làm thường xuyên thì mới được. Khi đã quen với động tác này rồi thì chuyển qua động tác khác” - anh Ninh nói.
Khi anh Ninh bảo đưa chân lên, lập tức Gold đưa chân lên và nhận được đồ ăn từ anh Ninh. Jun cũng vậy, khi anh gọi tên Jun và bảo nhấc chân lên, Jun cũng ngoan ngoãn nghe theo.
Theo anh, để được như vậy phải có một quá trình gần gũi, âu yếm và dành tình yêu thương mới huấn luyện được Jun và Gold. Quan điểm của các anh là tất cả phải làm từ tình yêu thương, không phải bằng đánh đập hay các hiệu lệnh thô cứng.
Còn anh Y Diệu, một “bảo mẫu” khác của Jun và Gold, tâm sự công việc của các anh không có giờ giấc cụ thể, có khi phải thức 24/24 giờ. Đôi khi các anh phải thức đêm để xem biểu hiện của voi khi có dấu hiệu bất thường.
Công việc chăm voi bắt đầu từ 7 giờ sáng. Các anh phải mang thức ăn là cỏ, dưa, chuối rải ở một số khu vực cho voi ăn. Tiếp đến, các anh phải tắm cho voi, kiểm tra các bộ phận và chăm sóc các vết thương trên thân thể Jun và Gold.
“Việc chăm sóc voi đôi khi cũng gặp nguy hiểm, vì dù gì Jun và Gold cũng là voi rừng. Tuy nhiên, voi là loài động vật rất thông minh nên nếu chăm sóc và yêu thương nó thì nó cũng bắt nhịp rất nhanh với những bài huấn luyện của anh em đưa ra. Bên cạnh đó, anh em huấn luyện một cách tích cực theo hướng dẫn của chuyên gia nên voi phát triển khá ổn” - anh Y Diệu vừa nói vừa bảo Jun nhấc chân lên để kiểm tra.•
Thức trắng đêm cho bú sữa, làm đồ chơi cho voi con
Anh Ninh kể khi Gold mới được đưa về, anh em phải thức trắng để cho voi uống sữa cả đêm cả ngày, cứ 3-4 tiếng/lần. Ngoài cho voi ăn uống, các anh phải làm đồ chơi cho voi để voi giảm stress. Khi voi vui vẻ, việc tiếp xúc sẽ dễ dàng hơn, không nguy hiểm cho những người chăm sóc chúng.
“Việc huấn luyện cho Gold và Jun cũng là một quá trình không hề đơn giản. Đôi khi voi giận dữ có thể gây nguy hiểm cho mình thì mình dừng bài huấn luyện lại, đợi vài phút sau khi nó bình tĩnh hơn thì mình tiếp tục. Mình không thể ép buộc được, voi phải tự nguyện thì bài huấn luyện mới thành công” - anh Ninh chia sẻ.