Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống

Thứ ba - 05/12/2023 21:29

Năm 1995, Viện Điều tra Quy hoạch rừng thuộc Bộ lâm nghiệp phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Nghệ An tiến hành điều tra, kiểm tra, khảo sát các yếu tố tự nhiên và xã hội, kết quả thực tế cho thấy Pù Huống có diện tích rừng tự nhiên lớn, có tính đa dạng sinh học cao phong phú, cho nên cần xây dựng một khu bảo tồn thiên nhiên với quy mô lớn hơn.
Ngày 25/01/2002, Chủ tịch UBND Tỉnh Nghệ An đã ký ban hành Quyết định số 342/QĐ-UB về việc thành lập BQL Khu BTTN Pù Huống với diện tích rừng được giao quản lý 49.806 ha. Đến năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, UBND Tỉnh Nghệ An đã Ban hành Quyết định số 4042/QĐ-UB ngày 12/11/2020 về việc Sáp nhập BQL rừng phòng hộ Quỳ Hợp vào BQL Khu BTTN Pù Huống, với tổng diện tích rừng được giao quản lý 46.468,66 ha, gồm có: 40.157,43 ha rừng đặc dụng, 6.066,47 ha rừng phòng hộ, 210,38 ha rừng sản xuất và 34,38 ha đất ngoài lâm nghiệp. Toàn bộ diện tích Khu BTTN Pù Huống thuộc vùng sinh thái dãy Trường Sơn.

 
image 20231206091611 1
Trụ sở làm việc của BQL Khu BTTN Pù Huống, đóng trên địa bàn Khối 7- Thị trấn Quỳ Hợp - huyện Quỳ Hợp - tỉnh Nghệ An.

BQL Khu BTTN Pù Huống nằm phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An là một trong ba vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, có địa hình đồi núi, dốc và hiểm trở. Độ cao trong vùng dao động trong khoảng từ 200 đến 1.447 m, có nhiều đỉnh núi cao trên 1.000 m trong khu bảo tồn là đỉnh Pa Hồng (cao 1.022 m), đỉnh Pù Huống (cao 1.200 m), đỉnh Pù Pâng (cao 1.302 m) và đỉnh cao nhất là đỉnh Pù Lòn (cao 1.447 m). Pù Huống có diện tích rừng tự nhiên lớn, độ che phủ của rừng hiện nay đạt 98,6 %, trữ lượng gỗ hiện có 377 triệu m3 (Chưa kể tới tre, nứa, trúc, vầu…), rừng đa dạng về sinh cảnh, đa dạng sinh học cao, quý hiếm, phong phú loài, có nhiều loài thực vật quý hiếm, điển hình như Lim xanh, Pơ mu, Sa mu dầu, Chò chỉ, Mun, Gõ đỏ, Trầm hương, Kim giao, Gụ, Sa mộc, Sến mật, Táu mật, Giổi…, còn có các loài động vật quý hiếm như Khỉ mặt đỏ, Rùa núi viền, Gà lôi trắng, Cu li, Vượn đen tuyền, Vượn đen bạc má, Voọc xám, Trĩ sao…, hệ sinh thái thảm thực vật rừng đặc trưng điển hình với 2 kiểu rừng là rừng á nhiệt đới núi thắp và rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới.
Cụ thể, cho đến hiện nay qua điều tra, khảo sát hệ thực vật đã xác định được 1.806 loài, dưới loài thuộc772 chi, 194 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 130 loài có nguy cơ tuyệt chủng (76 loài trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007, 39 loài trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính Phủ và 15 loài trong IUCN năm 2020). Nhiều loài Động vật quý hiếm, rất đa dạng về chủng loại, đã thống kê được 568 loài động vật (có 69 loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam).
 
Nhà bảo tàng BQL Khu BTTN Pù Huống nơi lưu giữ và bảo quản mẫu động thực vật rừng (Hiện lưu giữ hơn 20 mẫu động vật các loài và gần 400 mẫu tiêu bản thực vật)
Cơ cấu tổ chức bộ máy hiện nay của BQL Khu BTTN Pù Huống, gồm có: Ban giám đốc, có Giám đốc và 02 phó Giám đốc; Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ có phòng Tổ chức- Hành chính; phòng Kế hoạch-Tài chính; phòng Khoa học-KT và HTQT; Hạt Kiểm lâm BQL Khu BTTN Pù Huống, có các bộ phận trực thuộc làm nhiệm vụ kiểm lâm và quản lý bảo vệ rừng: Trạm QLBVR Bình Chuẩn, Trạm QLBVR Nga My, Trạm QLBVR Diên Lãm, Trạm QLBVR Cắm Muộn; Các trạm làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trực thuộc BQL: Trạm QLBVR Nam Sơn, Trạm QLBVR Châu Lý, Trạm QLBVR Châu Hồng.
Biên chế, số người làm việc được UBND Tỉnh giao năm 2023, tổng số 59 người, trong đó: Công chức 10 người, Viên chức 38 người, Hợp đồng theo NĐ số 68/2020 (nay là NĐ số 111/2022/NĐ-CP) 02 người, Hợp đồng hưởng từ nguồn thu 09 người.
Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được UBND tỉnh giao (Tại khoản 2, khoản 3, điều 1, Quyết định số 4042/QĐ-UB ngày 12/11/2020 của UBND Tỉnh Nghệ An):
Về chức năng:
- Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (gọi tắt là Ban quản lý) là đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị trực thuộc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, chịu sự quản lý chỉ đạo trực tiếp về tổ chức, hoạt động của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Ban quản lý có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
- Ban quản lý hoạt động trong lĩnh vực quản lý bảo vệ và phát triển rừng thuộc lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn 5 huyện, đó là huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu. Đồng thời có thể kết nối, phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác cùng triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Ban quản lý có chức năng tham mưu Sở Nông Nghiệp và PTNT thực hiện chức trách nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; bảo tồn, phát huy về các giá trị đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, các giá trị văn hoá, lịch sử, cảnh quan; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, cứu hộ và phát triển sinh vật, giáo dục nâng cao nhận thức môi trường và cung ứng dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật thuộc phạm vi do Ban quản lý được giao quản lý.
Nhiệm vụ, quyền hạn:
             - Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Luật Lâm nghiệp 2017 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp năm 2017; các quy định khác của pháp luật có liên quan. Cụ thể:
Quản lý, bảo vệ và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật đặc hữu, phục hồi tài nguyên và cảnh quan thiên nhiên trên diện tích được giao;
            Bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên. Bảo vệ, bảo tồn phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật, nguồn nước và các nhân tố thiên nhiên khác; phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng trừ sâu bệnh hại và sinh vật ngoại lai xâm hại; ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng, môi trường cảnh quan;
              Phục hồi các hệ sinh thái rừng tự nhiên, các loài động, thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng; bảo tồn tính đa dạng sinh học;
Bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá cảnh quan trong Khu bảo tồn.
          - Lập các báo cáo quy hoạch, các dự án đầu tư phát triển và bảo tồn Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai quy hoạch và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật và phân công của Sở Nông Nghiệp và phát triển nông thôn.
          - Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế:
          Xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học về bảo vệ, bảo tồn, phát triển cộng đồng, thực vật rừng, đa dạng sinh học, đặc biệt là đối với các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu và nguy cấp; Tổ chức triển khai sau khi được phê duyệt;
          Tổ chức các dịch vụ nghiên cứu khoa học, học tập tại Khu bảo tồn;
          Sưu tập, nuôi trồng thực nghiệm, bảo tồn nguồn gen các loài động, thực vật quý hiếm;
          Xây dựng chương trình, dự án hợp tác quốc tế về quản lý, bảo vệ, bảo tồn, phát triển tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế sau khi được phê duyệt của cấp có thầm quyền;
          Nghiên cứu các mô hình lâm nghiệp trang trại, mô hình khuyến lâm, khuyến nông, khuyến ngư ở vùng đệm, mô hình làng du lịch, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân vùng đệm.
          - Tổ chức cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật rừng.
          Tiếp nhận, cứu hộ các loài bản địa hoặc các loài phù hợp với sinh cảnh tự nhiên của khu rừng đặc dụng hoặc các loài được phép nghiên cứu khoa học trong đề tài do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
          Nuôi cứu hộ, nuôi bán hoang dã nhằm mục đích tái thả sinh vật về môi trường tự nhiên và phục vụ nghiên cứu khoa học; thả sinh vật về môi trường sống tự nhiên của chúng ta khi cứu hộ nuôi;
          Nghiên cứu, duy trì giống gốc, cung cấp nguồn giống cho phát triển gây nuôi theo quy định của Nhà nước; thu thập mẫu vật, nguồn gen sinh vật theo quy định; lưu trữ, bảo tồn nguồn gen các loài nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu, các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Cung ứng nguồn giống sinh vật, dịch vụ thú y cho các tổ chức và cá nhân để gây nuôi phát triển bền vững theo quy định hiện hành của Nhà nước;
          Tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu khoa học theo các đề tài, dự án nghiên cứu, thực hiện khoa học kỹ thuật về cứu hộ, phát triển sinh vật và bảo tồn đa dạng sinh học được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
          Hợp tác quốc tế về cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật.
          - Sử dụng bền vững tài nguyên, hoạt động dịch vụ trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
          Khai thác, sử dụng bền vững, có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, đảm bảo chức năng bảo tồn, duy trì và phát triển sự đa dạng sinh học của rừng; thu thập mẫu vật, lưu trữ, bảo tồn nguồn gen sinh vật theo quy định; bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan, văn hoá, lịch sử và môi trường;
          Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch, dự án phát triển du lịch sinh thái và tổ chức thực hiện theo đúng quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, du lịch, di sản văn hoá và quy chế quản lý khu rừng đặc dụng;
          Tự tổ chức hoặc liên doanh, liên kết hoặc cho các tổ chức, cá nhân khác thuê môi trường rừng để tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái của các tổ chức, cá nhân theo hợp đồng đã ký kết;
          Tổ chức, thực hiện các chính sách về dịch vụ môi trường theo quy định của Chính Phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; dịch vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, giá trị đa dạng sinh học cho các tổ chức, cá nhân sử dụng theo quy định của pháp luật.
          - Tổ chức xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội cho cộng đồng địa phương.
          Chủ động xây dựng các dự án, đề án phát triển kinh tế-xã hội và mở rộng sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong vùng lõi và vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống; tổ chức các hoạt động thu hút cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân vùng lõi và vùng đệm theo mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững.
          Nghiên cứu xây dựng các mô hình lâm nghiệp trang trại, mô hình khuyến nông, lâm ngư ở vùng đệm, mô hình làng du lịch, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân trong vùng đệm.
          - Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng dân cư; hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
          - Lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, giám sát và thực hiện các dự án có liên quan đến quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường, vườn thực vật, cây xanh, cây cảnh, mô hình nông lâm khi được cơ quan có thẩm quyền giao; tự thiết kế hoặc thuê tư vấn thiết kế các dự án quản lý, bảo vệ rừng của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống theo quy định hiện hành hoặc được Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn giao; tham gia góp ý, phản biện, thẩm định các dự án phát triển kinh tế, xã hội có liên quan hoặc ảnh hưởng trực tiếp Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống hoặc Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
          - Thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ rừng là Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo tình hình diễn biến tài nguyên rừng; tình hình kết quả hoạt động của đơn vị theo quy định.
          - Quản lý, sử dụng rừng, đất rừng sản xuất trong lâm phần đơn vị quản lý theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 18/11/2018 của Chính Phủ.
          - Xây dựng chương trình, kế hoạch, phương án, dự án: Trồng rừng, phục hồi rừng, cải tạo rừng phòng hộ, khai thác tỉa thưa rừng trồng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện.
          - Thực hiện giao khoán các chương trình về bảo vệ rừng, trồng rừng, chăm sóc cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tại chỗ để thực hiện việc bảo vệ rừng theo quy định.
          - Phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tham mưu đề xuất các giải pháp tăng cường các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
          - Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính, tài sản được giao theo quy định hiện hành của Nhà nước.
          - Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được cấp có thẩm quyền giao
BQL Khu BTTN Pù Huống luôn xác định công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng, tuần tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi xâm hại đến sinh cảnh rừng, ngăn chặn săn bắt động thực vật rừng, nghiên cứu khoa học, thực hiện các chương trình giao khoán bảo vệ rừng, công tác truyền thông, tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng, PCCCR là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, then chốt của đơn vị. Nhằm tăng độ che phủ của rừng, bảo tồn tính đa dạng sinh học, giảm áp lực tiêu cực đến rừng, ổn định đảm bảo môi trường sống.

 
Một số hình ảnh thực vật, động vật của BQL Khu BTTN Pù Huống (Ảnh tư liệu):
 
Thác Bản Bìa, ở bản Dền, xã Châu Lý
 
 
 
 
Vườn thực vật ngoại vi trồng các loài cây bản địa quý hiếm, phục vụ cho mục đích bảo tồn và nghiên cứu khoa học (Hiện có trên 100 loài cây bản địa)
 
Đàn khỉ cộc hay còn gọi là khỉ mặt đỏ
 
Rùa núi viền
 
Gà lôi trắng
 
Gà tiền mặt vàng
 
                                                                                   Tác giả bài viết: Đặng Chí Trường - Phòng TC-HC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Thống kê
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay12,610
  • Tháng hiện tại87,231
  • Tổng lượt truy cập695,352
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây