30 năm, chưa một lần nhận tháng lương trọn vẹn
Đây là lời bộc bạch đầy cay đắng trong lá đơn xin nghỉ việc ngày 25/11/2022 của anh Nguyễn Duy Thanh (SN 1969), cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, làm nhiệm vụ bảo vệ rừng địa bàn xã biên giới Thanh Sơn gửi đến Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo Ban.
Một chuyến tuần rừng của cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương. Ảnh: CTV |
Anh Nguyễn Duy Thanh viết: “Tôi công tác tại Lâm trường Thanh Chương từ năm 1989, nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương. Gắn bó với nghề lâm nghiệp đã hơn 30 năm công tác, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Trải qua hơn 30 năm, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi cảm thấy cơ chế chính sách đối với người bảo vệ rừng quá phũ phàng. Hơn 30 năm công tác chưa một lần được nhận lương một tháng cho trọn vẹn.
Kính thưa lãnh đạo sở, ban, ngành. Nhiệm vụ bảo vệ rừng hết sức nặng nề, vất vả, lương lại trả cơ chế như vậy người làm nhiệm vụ không đủ để trang trải cuộc sống cho bản thân chưa nói đến việc giúp đỡ cho gia đình vợ con. Vậy tôi làm đơn này mong được xem xét giải quyết cho được nghỉ để đóng bảo hiểm những năm còn lại chờ đủ tuổi nghỉ theo chế độ…”.
Lá đơn xin nghỉ việc của anh Nguyễn Duy Thanh, Trạm quản lý bảo vệ rừng Rại Rại (xã Thanh Sơn, Thanh Chương). Ảnh: CTV |
Cũng trong tháng 11/2022, cùng với lá đơn của anh Nguyễn Duy Thanh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương còn nhận được đơn xin nghỉ việc của các anh Đặng Quốc Tiến, Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Đình Tuệ, Lê Văn Tú… Và cũng tương tự anh Nguyễn Duy Thanh, lý do xin nghỉ việc của những người làm công tác bảo vệ rừng khu vực biên giới huyện Thanh Chương đầy gian khó này cũng vì chế độ chính sách về tiền lương có quá nhiều bất cập.
Anh Đặng Quốc Tiến (SN 1972), nhân viên Trạm bảo vệ rừng Hoa Quân, địa bàn xã biên giới Ngọc Lâm đã viết: “Hiện tại tôi đang là nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng Hoa Quân. Công việc vô cùng vất vả, đường sá đi lại khó khăn. Áp lực công việc ngoài quản lý rừng phòng hộ thì phải đối mặt với khó khăn phức tạp trong công tác quản lý rừng trồng sản xuất. Vì địa bàn là nơi tái định cư đồng bào dân tộc thiểu số nên trong công tác quản lý không để lấn chiếm, xẻ phát bắt buộc phải đi lại nhiều, trong lúc đó giá cả thị trường biến động, tăng cao.
Trong khi chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ thì tiền lương ít ỏi, thậm chí tiền lương của năm 2022 còn chưa có. Nếu tiếp tục công tác, chúng tôi cũng không thể sống trong thấp thỏm chờ đợi. Vậy tôi viết đơn này xin được nghỉ việc một thời gian. Khi nào Nhà nước trả lương đầy đủ thì tôi xin tiếp tục công tác…”.
Những lá đơn xin nghỉ việc của các anh Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Đình Tuệ (Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương). Ảnh:CTV |
Không chỉ ở huyện Thanh Chương, mà trên địa bàn huyện Con Cuông, những người bảo vệ rừng cũng trong tâm trạng chán nản với nghề nghiệp đang đeo đuổi, và đã có một số xin được rời đi. Ngày 28/7/2021, anh Võ Văn Quyết - nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng Lạng Khê (Ban Quản lý rừng phòng hộ Con Cuông) đã viết: “Tôi xin phép được thôi việc tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Con Cuông kể từ ngày 31/7/2021. Lý do vì thời gian gần đây tôi nhận thấy chủ trương chính sách quản lý bảo vệ rừng của Nhà nước có sự bất cập, đã ảnh hưởng lương hàng tháng của tôi (cũng như các đồng chí hợp đồng lao động khác). Lương không được chi trả đúng thời gian quy định, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống gia đình. Nên tôi đã bàn bạc với gia đình và thống nhất xin thôi việc tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Con Cuông để xin làm việc tại Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Hoàng Long ở gần nhà và ổn định kinh tế trong cuộc sống hơn…”.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ cũng là một trong những đơn vị lâm nghiệp có số lượng người xin nghỉ việc khá lớn (16 người). Bạch Tiến Bảo (SN 1988), nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Lá có đơn xin nghỉ việc ngày 27/3/2022, anh đã viết: “Do điều kiện hoàn cảnh gia đình nên tôi phải về quê giải quyết công việc gia đình và ổn định cuộc sống. Vì vậy, tôi có nguyện vọng xin nghỉ việc để về quê công tác và sinh sống. Vậy tôi làm đơn này kính đề nghị lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ cho tôi được nghỉ việc…”.
“Hy vọng người ở lại được tốt hơn…”
Liên hệ trao đổi với Nguyễn Duy Thanh, anh cho biết với thời gian đã hơn 30 năm đeo đuổi nghề rừng thì việc xin nghỉ sớm một vài năm chờ đến ngày hưởng chế độ hưu theo quy định cũng là điều bình thường. Nhưng người đàn ông 55 năm tuổi này nói rằng, anh thấy cần nói ra những bất cập vì mong muốn chế độ chính sách về bảo vệ rừng có sự thay đổi, hy vọng những người ở lại sẽ được tốt hơn, bởi nếu không “nghề rừng chỉ có người ra, không có người vào”.
Trạm quản lý bảo vệ rừng Khe Sướn (xã Thanh Đức, Thanh Chương) đến nay vẫn là nơi ở tạm bợ, không điện, không nước sạch sinh hoạt. Ảnh: CTV |
Trạm Quản lý bảo vệ rừng Rại Rại (bản Bình Yên, xã Thanh Sơn) nơi anh Nguyễn Duy Thanh công tác có trách nhiệm bảo vệ gần 1.400 ha rừng biên giới, nhưng chỉ gồm 2 con người. Gia đình anh Thanh ở xã Thanh Phong, chỉ cách trạm khoảng 40km. Nhưng vì tính chất công việc, vì trạm neo người nên anh cũng ít được về với gia đình. Anh giải thích về thông tin trong đơn “30 năm chưa một lần nhận lương tháng trọn vẹn” rằng, kể từ khi vào làm việc đến nay đã hơn 30 năm nhưng chưa một lần thấy trả lương tháng cho người lao động đúng theo quy định. Nhất là từ khi Lâm trường chuyển đổi thành Ban Quản lý rừng phòng hộ, năm nào cũng phải từ 6 – 7 tháng, có khi đến 10 tháng thì người lao động mới được tạm ứng lương. Như năm 2020, người lao động còn không được nhận đủ lương.
Nghề bảo vệ rừng rất vất vả, các chế độ đãi ngộ khác không có. Cùng công tác ở khu vực biên giới nhưng đội ngũ kiểm lâm, giáo dục có phụ cấp khu vực, trong khi bảo vệ rừng chuyên trách là những người thường xuyên ở sát biên giới thì lại không có một chế độ hỗ trợ gì. “Với tôi, sau hơn 30 năm công tác được nhận lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Nhưng như năm nay, chế độ tiền lương mới trả được 3 quý, nhưng chỉ là tạm ứng 70% lương. Việc chi trả tiền lương như thế thì trang trải cho bản thân còn khó, nói gì đến hỗ trợ cho gia đình. Trong khi xã hội đã thay đổi rất nhiều thì nghề rừng chúng tôi không chỉ khổ mà còn chịu đựng những điều vô lý nữa. Có khi còn không được khám bệnh vì chưa được đóng bảo hiểm xã hội. Cơ quan bảo hiểm đâu biết chúng tôi không nợ bảo hiểm, mà là Nhà nước chưa có tiền chi trả nên Ban chưa có tiền để đóng. Sự thật là như thế nên nếu không có thay đổi, nghề rừng sẽ chỉ có người ra mà không có người vào…” – anh Thanh tâm tư.
Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương trong một chuyến tuần rừng. Ảnh: CTV |
Rồi anh trải lòng, hiện nay các nghề khác đều đã rất được quan tâm. Ngành nào đến ngày truyền thống cũng đều được động viên bằng hình thức này hay hình thức khác, nhưng nghề bảo vệ rừng thì chẳng có gì, khiến ai cũng rất tủi. Rồi tự hỏi: Xã hội thì có nhiều đổi mới, tại sao nghề lâm nghiệp lại không có gì đổi mới cả. Sao cứ mãi triền miên cảnh khổ này?
Và anh chua chát: “Lãnh đạo Ban có trao đổi động viên những người có đơn xin nghỉ việc là đang kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét xây dựng chính sách hỗ trợ cho người bảo vệ rừng, hơn nữa cũng cận Tết Nguyên đán rồi nên nán chờ thêm một thời gian. Chúng tôi nghe vậy thì cũng hy vọng, nhưng nếu tới đây không có thay đổi thì đầu năm tới cũng phải xin nghỉ nộp bảo hiểm để tìm công việc khác, khi đến tuổi thì nghỉ hưu theo chế độ...”.
Nguồn tin: Baonghean.vn