Gục ngã giữa rừng thiêng!

Thứ tư - 21/12/2022 23:05
Empty

Quanh năm suốt tháng gắn bó với miền rừng, những đồng lương ít ỏi không đủ để người giữ rừng lo toan cuộc sống thường nhật. Ảnh: Việt Khánh.

Con đẻ, con rơi?

“Chung một mẹ nhưng đứa con đẻ, đứa con rơi”, đó là thực trạng buồn đang diễn ra tại hàng loạt đơn vị chủ rừng trên địa bàn Nghệ An, ngoài Pù Huống phải kể thêm Pù Hoạt, Pù Mát, đặc biệt là các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nơi nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, sản xuất gần như bằng không.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống nằm trong số 19 chủ rừng trên địa bàn Nghệ An, đơn vị này thành lập năm 2002. Khi UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4042/QĐ-UBND về việc sát nhập BQLRPH Quỳ Hợp, diện tích quản lý được nâng lên gần 47.000 ha, hiện trạng phần lớn là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, tính chất nhạy cảm vô cùng. Nhiều vấn đề bức bí cũng nảy sinh từ đây, đau đáu hơn cả là chế độ, chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

Empty

Thực cảnh của những người giữ rừng chuyên trách tại Khu BTTN Pù Huống đã nói thay tiếng lòng của số đông lao động lâm nghiệp tại Nghệ An. Ảnh: Anh Khôi.

Là người đứng đầu, Giám đốc Khu BTTN Pù Huống, ông Võ Minh Sơn luôn đau đáu về đời sống của anh em giữ rừng, biết đó nhưng nguồn có hạn nên lực bất tòng tâm: “Kinh phí trang trải phụ thuộc cả vào nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, muốn vận dụng cũng phải theo quy định chứ chẳng còn cách nào khác. Từ nguồn được cấp đơn vị sẽ cố gắng cân đối, cần sẽ vay mượn để cân đối thêm dăm ba triệu cho anh em đón tết”.

Trước đây Khu BTTN Pù Huống chỉ có 1 Hạt kiểm lâm quản lý rừng đặc dụng với quân số trên 30 người. Sau sát nhập, đơn vị tiếp nhận thêm 23 người từ BQL RPH Quỳ Hợp, phân thành 3 Trạm quản lý bảo vệ rừng. Dẫu về chung một mái nhà, công việc tương đồng nhưng quyền lợi có nhiều khác biệt.

23 người này vốn là lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, lực lượng chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi khi chế độ, phụ cấp, ưu đãi nghề... không có, đặc biệt là 7 người thuộc dạng hợp đồng tự trang trải.

Để tạo đà thuận lợi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, xa hơn là đảm bảo bình đẳng về mặt quyền lợi cho tất cả người lao động, đơn vị này đã làm tờ trình, tham mưu sở NN-PTNT đưa cả 3 trạm của BQL RPH chuyển về trực thuộc Hạt Kiểm lâm. Dù vậy, đề xuất này tức thì bị Sở Nội vụ “phanh lại” khi căn cứ vào quy định của Nghị định 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Quy chế “chưa thông” kéo theo sự thể dở khóc dở cười. Tất cả đều chung về 1 mối nhưng có sự phân cấp, phân quyền được thể hiện rõ, 1 bên là hợp đồng 2b (bảo vệ rừng chuyên trách), 1 bên là lực lượng kiểm lâm, dẫu cùng chung nhiệm vụ, cùng quán xuyến địa bàn nhưng chế độ khác nhau. Kiểm lâm có thêm ưu đãi nghề, lưu động (áp dụng cho công chức), thâm niên, tính sơ bộ thu nhập cao gấp khoảng 1,5 lần những người chuyên trách giữ rừng.

Empty

Những hình ảnh bình dị thường nhật của người giữ rừng. Ảnh: Anh Khôi.

Để có kinh phí chi trả cho cán bộ, Khu BTTN Pù Huống phải điều tiết từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, vốn được thụ hưởng từ diện tích nằm trong lưu vực của 5 thủy điện là Khe Bố, Nậm Pông, Nhạn Hạc, Chi Khê và Châu Thắng.

Theo kế hoạch, nếu không phát sinh thêm nhân sự từ BQL RPH Quỳ Hợp, hoặc đảm bảo được nguồn chi trong công tác quản lý bảo vệ rừng, Khu BTTN Pù Huống sẽ ưu tiên kinh phí dịch vụ môi trường rừng để phân bổ cho nhiều đầu việc chuyên môn. Dù vậy, do nguồn lực nhà nước không cáng đáng nổi nên phải chấp nhận cảnh “giật gấu vá vai”, biết là khó khăn nhưng không thể phó mặc những người đã hi sinh quyền lợi, chấp nhận đánh đổi cả tuổi xuân cho nhiệm vụ bảo vệ rừng cao cả và thiêng liêng.

Hiện lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách thuộc quản lý của Khu BTTN Pù Huống đều cắm chốt ở vùng sâu vùng xa, cơ bản đều chịu cảnh xa nhà, thiếu thốn trầm trọng cả về vật chất lẫn tinh thần. Do tính chất công việc đặc thù, bộ phận này không thể ngồi khư khư một chỗ chỉ để tiếp dân, ngược lại phải di chuyển thường xuyên, liên tục như con thoi mới có thể bám sát diễn biến chung, qua đó kịp thời phát giác, ngăn chặn và xử lý những hành vi sai trái.

Xen kẽ đó là nhiệm vụ tuần rừng, rong ruổi hết ngày này tháng khác, cặm cụi như con ong lòng vòng không ngơi nghỉ bất kể ngày đêm, chẳng màng nắng mưa giá rét. Khối lượng công việc vô cùng lớn nhưng chế độ dành cho họ quá hẻo, chỉ bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/ tháng. Nếu chi tiêu dè xẻn thì riêng tiền xăng xe, ăn uống thường nhật đã ngốn đến phân nửa, ấy là chưa tính đến ma chay, cưới hỏi, tháng nào đôi ba đám thì một cắc cũng chẳng còn.

Empty

Anh Lê Văn Phú, lực lượng chuyên trách giữ rừng tại Khu BTTN Pù Huống mông lung về chặng đường phía trước. Ảnh: Việt Khánh.

Anh Lê Văn Phú, quê xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp nằm trong số đó. Ngày ra trường Phú được BQLRPH Quỳ Hợp tiếp nhận vào làm, loáng cái đã 11 năm rồi. Ngần ấy thời gian là vô vàn những kỉ niệm khó quên trong nghề, buồn thay ngày vui vô cùng nhỏ giọt, thế vào đó là những âu lo, muộn phiền chất chứa. Canh cánh là phải khi mang trên mình trọng trách lớn lao nhưng chẳng thể làm chỗ dựa vững chắc cho cha mẹ già, cho vợ trẻ, con thơ.

Nhiều đêm ở trạm, trong không gian tĩnh mịch như tờ Phú lại trầm ngâm ngẫm sự đời, lắm lúc buồn muốn từ bỏ để hướng đến chân trời mới tươi sáng hơn. Nhưng nghĩ và làm là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau, cứ thế nội tâm dằng xé hết lần này lượt khác, để rồi sau cuối anh vẫn ngồi đây, vẫn tiếp tục với nghiệp giữ rừng đầy gian truân, trắc trở. 

Chẳng chút dấu diếm, anh Phú bộc bạch đời mình: “Vợ chồng có với nhau 2 mặt con, cháu đầu đã 11 tuổi, cháu sau cũng 5 năm tuổi rồi, cha mẹ tuổi đã cao, nay đau mai ốm, nhìn chung vô vàn áp lực bủa vây. Nghề của chúng tôi không có thứ 7, chủ nhật, hàng tháng chỉ được nghỉ 6 ngày, do trạm neo người nên anh em chủ động luôn phiên, thường mỗi tháng chia thành 2 đợt, mỗi đợt 3 ngày về với gia đình, vợ con.

Thuộc diện hợp đồng tự trang trải, chỉ độc đồng lương còm quy đổi từ hệ số, ngoài ra chẳng còn gì. Tôi vào nghề đã 11 năm rồi nhưng thu nhập chỉ loanh quanh 4 triệu đồng/ tháng, mức này tụt hậu quá xa so với vòng xoay hối hả. Bèo bọt là thế nhưng có nhận được đều đặn đâu, như năm nay mới được thanh toán 6 tháng, chung quy đói càng đói thêm. Từ giờ đến lúc truy lĩnh còn dài, lại phải đôn đáo, chạy vạy nhiều phen. Thực tâm yêu rừng, yêu nghề mới dốc sức gắn bó được ngần ấy thời gian, nhưng lắm lúc thương thân trách phận, làm trai sức dài vai rộng mà chẳng đỡ đần được gì cho gia đình, lại còn trét thêm gánh nặng”.

“Cực nhất là những dịp đầu năm học mới, khó đến mấy cũng phải tất tả, vay mượn có tiền đóng học phí cho con, rồi sắm sang cho chúng bộ quần áo tươm tất cho bằng bạn bằng bè. Với cánh bảo vệ rừng chuyên trách thiếu thốn riết đã thành quen, đồng lương ít ỏi quá có muốn cũng chẳng thể nào khác được. Tết đến xuân sang nhà nhà khấp khởi, hân hoan, người giữ rừng lại lo toan đến cùng cực…”, nói đoạn anh Phú thở dài thườn thượt.

Mất mát đau thương

BQLRPH Con Cuông thuộc diện chủ rừng khó khăn nhất, đơn vị này có diện tích nằm trong lưu vực được hưởng kinh phí môi trường rừng nhưng đơn giá quá rẻ mạt, chung quy chẳng thấm tháp vào đâu. Đã thế diện tích được giao quá rộng, lại nằm rải rác, xen kẽ với rừng sản xuất, nguy cơ xâm phạm rừng ở mức cao nhưng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng thiếu và chậm, tất thảy tạo nên tấn áp lực khổng lồ dồn nén xuống, dần dà hình thành tâm lý chán chường, buông xuôi nơi số đông người lao động.

z3968602224756_84cfc13027ab2149c2180c57b46e70ab

Khốn khó là tình cảnh chung của các chủ rừng trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Anh Khôi.

Những con số thống kê chẳng biết nói dối, ngược lại phản ánh chân thực những góc khuất của ngành lâm nghiệp lúc này. Tại BQL RPH Con Cuông nhân sự giữ rừng rơi rụng quá nhiều trong những năm qua, nếu lúc cao điểm toàn Ban có trên 30 con người thì nay chỉ còn vỏn vẹn 24 người. Nội trong vòng 2, 3 năm gần đây chính thức có 4 người bỏ việc, ngược lại việc tuyển dụng khó hơn “hái sao trên trời”, tìm mỏi mắt chẳng thấy ai có nhu cầu.

Thiếu người trầm trọng thành thử quá trình phân công nhân lực tại BQL RPH Con Cuông cũng chỉ lấy lệ cho có. Rừng núi mênh mông, heo hút nhưng mỗi trạm chỉ bố trí độc 2 người thay nhau quán xuyến, kỳ thực để bám sát địa bàn thôi đã khó chứ chưa nói gì đến việc xử lý, giải quyết những vấn đề khúc mắc.

Riêng Trạm QLBVR Đôn Phục được giao quản lý 3 xã Đôn Phục, Cam Lâm, Mậu Đức với diện tích lên đến hàng ngàn ha, nơi đây nguy cơ xâm lấn rừng rất cao. Khoảng nửa năm trước thôi bầu không khí sầu thương bao trùm khắp núi đồi khi anh Ng. V. H, người xã Lục Dạ, Con Cuông, Trạm trưởng Trạm QLBVR Đôn Phục tử vong trong đêm.

Những người từng chung lưng đấu cật, sát cánh cùng anh H. khẳng định, nguyên cớ sâu xa đến từ điều kiện làm việc không đảm bảo, quanh năm suốt tháng chịu cảnh dãi nắng dầm sương, kết hợp với áp lực đè nén trong công tác chuyên môn, lâu dần “ủ bệnh” lúc nào chẳng hay. Đêm đó sự thể diễn tiến nhanh đến ngỡ ngàng, đang trong lúc dùng cơm tối bất chợt anh Hòa đổ gục xuống nền nhà, đồng nghiệp Nguyễn Văn Thái ngồi cạnh ú ớ chẳng nên câu, mãi lúc sau mới định thần, thất thanh hô hoán người dân xung quanh thì đã muộn…

Empty

Để công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn Nghệ An phát huy hiệu quả, chính sách cho người giữ rừng phải được cải thiện. Ảnh: Việt Khánh. 

Tác giả: Việt Khánh
https://nongnghiep.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Thống kê
  • Đang truy cập90
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm89
  • Hôm nay16,499
  • Tháng hiện tại81,705
  • Tổng lượt truy cập3,133,529
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây