Hộ gia đình, cá nhân chiếm 90% số cơ sở nuôi động vật hoang dã

Thứ hai - 26/12/2022 02:16
Hoạt động nuôi động vật hoang dã nhằm mục đích thương mại là một trong những ngành nghề mang lại lợi nhuận, thu hút sự quan tâm, đầu tư của nhiều nông dân. Ảnh: Tùng Đinh.

Hoạt động nuôi động vật hoang dã nhằm mục đích thương mại là một trong những ngành nghề mang lại lợi nhuận, thu hút sự quan tâm, đầu tư của nhiều nông dân. Ảnh: Tùng Đinh.

Cả nước có 8.600 cơ sở nuôi động vật hoang dã với 2,5 triệu cá thể

Những năm gần đây, hoạt động nuôi động vật hoang dã nhằm mục đích thương mại là một trong những ngành nghề mang lại lợi nhuận, thu hút sự quan tâm, đầu tư của nhiều nông dân trên cả nước. Nuôi thương mại động vật hoang dã cũng góp phần tích cực cho hoạt động bảo tồn vì hoạt động này cung cấp các sản phẩm thay thế cho động vật hoang dã, giảm áp lực lên các quần thể hoang dã.

Hoạt động gây nuôi động vật hoang dã hiện nay phần lớn mang tính chất tự phát, nuôi thử nghiệm, với quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, cá nhân, số lượng các cá thể loài gây nuôi không nhiều và hầu hết các chủ nuôi tự bỏ vốn mua con giống, đầu tư xây dựng chuồng, trại, số hộ gia đình, cá nhân chiếm trên 90% tổng số cơ sở.

Một số hộ gây nuôi động vật hoang dã loài thông thường như dúi, nhím, hươu sao… đã đạt được một số kết quả nhất định, bước đầu góp phần trong việc bảo tồn và phát triển loài, tạo sinh kế, cải thiện thu nhập kinh tế của hộ gia đình phần nào hạn chế được áp lực khai thác, săn bắt, sử dụng động vật hoang dã từ tự nhiên.

Ông Nguyễn Quốc Hiệu đánh giá, phần lớn các cơ sở nuôi động vật hoang dã đã tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Quốc Hiệu đánh giá, phần lớn các cơ sở nuôi động vật hoang dã đã tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), nhìn chung, phần lớn các cơ sở nuôi động vật hoang dã đã tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã.

Cụ thể, các cơ sở đã thông báo về việc gây nuôi động vật rừng thông thường cho cơ quan có thẩm quyền, được cấp mã số cơ sở nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Sổ theo dõi hoạt động nuôi. Có ghi chép đầy đủ số lượng cá thể tăng, giảm đàn có xác nhận của cơ quan Kiểm lâm và hồ sơ nguồn gốc động vật hoang dã đầy đủ, hợp pháp. Chuồng trại xây dựng phù hợp với đặc tính sinh trưởng của từng loài, đảm bảo điều kiện an toàn cho người, vật nuôi, vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh...

Theo thống kê của Cục Kiểm lâm, hiện trên cả nước có khoảng 8.600 cơ sở nuôi động vật hoang dã với 2,5 triệu cá thể, 300 loài được nuôi. Tại 54 tỉnh/thành phố, có khoảng 71 chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã, hoạt động mua bán chim cảnh.

Tại một số khu du lịch sinh thái, vườn thú, safari có hoạt động nuôi động vật hoang dã với số lượng lớn không vì mục đích thương mại gồm các loài khỉ, cá sấu nước ngọt, đà điểu và các loài thuộc lớp chim phục vụ mục đích tham quan du lịch và nuôi cảnh…

Trên cả nước có khoảng 8.600 cơ sở nuôi động vật hoang dã với 2,5 triệu cá thể, 300 loài được nuôi. Ảnh: Tùng Đinh.

Trên cả nước có khoảng 8.600 cơ sở nuôi động vật hoang dã với 2,5 triệu cá thể, 300 loài được nuôi. Ảnh: Tùng Đinh.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong quản lý hoạt động nuôi động vật hoang dã của các quốc gia trên thế giới, ông Nguyễn Quốc Hiệu cho biết, tại Campuchia, Luật cho phép nuôi nhốt các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm đã được cấp phép nhưng xử phạt việc nuôi nhốt đó với mức phạt tương đương từ hai đến ba lần giá trị thị trường của vật chứng.

Tại Lào, Luật cho phép động vật hoang dã ở cả ba loại được nuôi nhốt để sinh sản và phục vụ mục đích kinh doanh. Trong đó, quy định động vật hoang dã thuộc danh mục cấm quản lý, nuôi nhốt nhằm mục đích kinh doanh phải khai báo, đăng ký. Động vật hoang dã được nuôi nhốt không vì mục đích thương mại phải được khai báo nhưng không phải đăng ký. Việc nuôi nhốt động vật hoang dã trong danh mục cấm phải được chính phủ cho phép.

Tại Myanmar, có thể cho phép nuôi nhốt các động vật hoang dã nguy cấp đã được liệt kê cho mục đích thương mại. Có thể cho phép nuôi nhốt các động vật hoang dã được bảo vệ thông thường và theo mùa, như một sở thích hoặc phong tục truyền thống. Luật không điều chỉnh việc tiêu dùng.

Kiến thức phòng chống dịch bệnh của người nuôi rất sơ sài

Mặc dù thể hiện được sự hiệu quả trong thực tiễn, nhưng nhiều chuyên gia đã đánh giá nuôi thương mại động vật hoang dã cũng có thể làm tăng nhu cầu các sản phẩm này, gây thêm áp lực lên các quần thể hoang dã, gây ra các mối đe dọa đáng kể đối với sự tồn tại của các loài động vật hoang dã tự nhiên.

Nuôi thương mại động vật hoang dã đang tiềm ẩn những mối lo ngại, cần phải được quan tâm như dịch bệnh trên động vật hoang dã hoặc nguy cơ truyền nhiễm bệnh từ động vật hoang dã sang người, tình trạng bão hòa nguồn cung hoặc nhu cầu thị trường giảm dẫn đến hoạt động nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.  

Nuôi thương mại động vật hoang dã tiềm ẩn những mối lo ngại dịch bệnh trên động vật hoang dã hoặc nguy cơ truyền nhiễm bệnh từ động vật hoang dã sang người. Ảnh: Tùng Đinh.

Nuôi thương mại động vật hoang dã tiềm ẩn những mối lo ngại dịch bệnh trên động vật hoang dã hoặc nguy cơ truyền nhiễm bệnh từ động vật hoang dã sang người. Ảnh: Tùng Đinh.

Bên cạnh đó, một số cơ sở đang nuôi động vật hoang dã nhưng chưa có mã số cơ sở nuôi, có tình trạng một số hộ không còn nuôi động vật hoang dã hoặc tạm dừng nhưng không khai báo với cơ quan Kiểm lâm sở tại thu hồi mã số.

Nhiều cơ sở đã có cam kết bảo vệ môi trường nhưng chưa đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ. Nhiều cơ sở nuôi bố trí chuồng trại chưa tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình hoặc chuồng trại nuôi chung với các loài gia súc, gia cầm khác, nguy cơ phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh lẫn nhau.

Đa số các cơ sở chưa đăng ký cấp mới hoặc cấp lại Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y hoặc Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật về thú y, một số hộ không quan tâm đến việc thực hiện hồ sơ có liên quan về thú y, môi trường theo quy định.

Một số cơ sở nuôi động vật hoang dã thông thường còn sử dụng một số thuốc y tế để chữa bệnh động vật hoang dã, trái với quy định pháp luật về thú y. Một số cơ sở nuôi chưa thực hiện kiểm dịch khi vận chuyển, mua, bán ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo quy định của Luật Thú y 2015. 

Chia sẻ thêm về những khó khăn, thách thức trong quản lý, nuôi động vật hoang dã tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệu cho rằng, hiện đang tồn tại nhiều danh mục, phân loại động vật hoang dã dẫn đến áp dụng thực hiện gặp nhiều khó khăn, một số quy định không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho cả người nuôi và cơ quan quản lý.

Cùng với đó là tình trạng thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về chuồng nuôi, kỹ thuật nuôi động vật hoang dã. Chưa có chính sách hỗ trợ vốn, khoa học công nghệ cho người chăn nuôi động vật hoang dã.

Hiểu biết về bệnh truyền nhiễm trong đàn vật nuôi hoặc từ động vật hoang dã sang người của các chủ cơ sở còn hạn chế. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiểu biết về bệnh truyền nhiễm trong đàn vật nuôi hoặc từ động vật hoang dã sang người của các chủ cơ sở còn hạn chế. Ảnh: Tùng Đinh.

Người chăn nuôi thiếu kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho động vật hoang dã phòng chống bệnh truyền nhiễm từ động vật hoang dã sang người. Thiếu bác sĩ thú y có trình độ chuyên môn sâu về các bệnh trên động vật hoang dã.

“Đa số cơ sở nuôi động vật hoang dã được người dân nuôi trong khuôn viên của gia đình, trong khu dân cư trong khi nhiều loài có khả năng gây nguy hiểm cho người như: hổ, gấu, cá sấu, rắn hổ mang, rắn hổ mang chúa, trăn… Hiểu biết về bệnh truyền nhiễm trong đàn vật nuôi hoặc từ động vật hoang dã sang người của các chủ cơ sở còn hạn chế”, ông Nguyễn Quốc Hiệu phân tích.

Đặc biệt, đa phần là các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, tính tự phát, chuồng trại nuôi không ổn định, không theo tiêu chuẩn, thiếu vốn, phụ thuộc vào thị trường. Nhiều loài nuôi không có khả năng sinh sản hoặc khả năng rất hạn chế sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt, khó duy trì đàn.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệu, bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động nuôi động vật hoang dã cũng tiềm ẩn các rủi ro, nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh trong đàn vật nuôi hoặc từ vật nuôi sang người hoặc sang động vật khác. Hiện chưa có các tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật phù hợp với từng loài cụ thể, chủ yếu trên cơ sở kinh nghiệm của chủ cơ sở. Do đó, khi đầu tư vào hoạt động nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại, chủ cơ sở nuôi phải nắm chắc các quy định pháp luật về hoạt động nuôi, đồng thời cân nhắc, tính toán kỹ về hiệu quả kinh tế, trang bị các kiến thức về quy trình, kỹ thuật nuôi, cũng như tạo sự ổn định về đầu ra, để tránh các rủi ro trong khi nuôi”.

Nguồn tin: Phạm Hiếu -Tùng Đinh/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Thống kê
  • Đang truy cập102
  • Hôm nay10,850
  • Tháng hiện tại415,751
  • Tổng lượt truy cập4,041,914
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây