Cũng như các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Nghệ An… mà Báo Nông nghiệp Việt Nam từng có các bài viết phản ánh về thực trạng kiểm lâm viên, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc hay bỏ việc, chuyển công tác ngày càng phổ biến, tại tỉnh Bình Thuận cũng nằm trong thực trạng chung này.
Tại Ban quản lý rừng phòng hồ Hồng Phú, theo ghi nhận chúng tôi, nơi đang quản lý 6.000ha rừng nằm rải rác 8 xã, phường thuộc huyện Hàm Thuận Bắc và TP Phan Thiết. Ngoài ra, một số diện tích rừng nằm giáp ranh 2 huyện Hàm Thuận Nam và Bắc Bình.
Ông Nguyễn Đức Tín, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú, cho biết, do đặc điểm rừng của đơn vị quản lý tồn tại xưa nay nằm rải rác gần khu dân cư, đất sản xuất của người dân nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Chỉ cần lực lượng bảo vệ rừng lơ là từng ngày, từng giờ rất dễ bị người dân lấn chiếm, xâm phạm trong bối cảnh đất đai ngày càng có giá.
Trước thực trạng nằm trong điểm nóng, Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú được Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận ưu tiên cho 25 biên chế đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do công việc trách nhiệm nặng nề, lực lượng quản lý bảo vệ rừng thường xuyên làm việc ở rừng hoặc các chốt trạm 24 giờ/ngày để tuần tra, canh gác giữ rừng. Mỗi tuần chỉ nghỉ 1 ngày đêm song thu nhập rất thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên nhiều người cứ lần lượt xin nghỉ việc.
Mới đây nhất, vào giữa tháng 9/2022, một nhân viên bảo vệ rừng ở trạm Phú Hài xin nghỉ việc giữa chừng khiến đơn vị đã khó khăn về tìm kiếm người, nay càng chồng chất khó khăn hơn. Bởi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Hồng Phú nhiều năm hoạt động không đủ người, hiện chỉ còn 21 người.
Theo ông Nguyễn Đức Tín, từ năm 2020 đến nay đơn vị có 10 người xin nghỉ việc. Nguyên nhân chính xin nghỉ việc là do thu nhập quá thấp. Theo đó, người mới vào làm với mức lương nhận hàng tháng hơn 2,4 triệu đồng, không đủ trang trải cuộc sống thì làm sao họ toàn tâm toàn ý mà giữ rừng.
“Chúng tôi thấy rằng dù công việc có áp lực nhưng vì cuộc sống anh em vẫn có thể bám trụ. Nhưng thu nhập quá thấp, anh em mới vào làm tính ra không được 100 ngàn đồng/ngày, trong khi thời gian làm việc dường như 24 giờ ở vùng cát khô hạn. Các chốt giữ rừng không có điện, nước, ăn uống tạm bợ qua ngày và thường xuyên đối mặt với “lâm tặc và “địa tặc” vô vàn hiểm nguy rình rập…nên khó thu hút và kiếm người giữ rừng lâu dài”, ông Tín bộc bạch.
Tương tự, tại Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà, huyện Tánh Linh hiện quản lý 19.887 ha rừng, tuy nhiên đang nổi cộm tình trạng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc và chuyển công tác. Ông Nguyễn Văn Tuyến, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà tỏ vẻ lo lắng khi từ đầu năm đến nay, đơn vị có 7 người xin nghỉ việc và 2 chuyển công tác. Điều đáng nói trong số những người xin nghỉ việc có người đã công tác tại đơn vị 7 năm.
Theo ông Tuyến, nguyên nhân lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng ở La Ngà xin nghỉ việc cũng như nơi khác đó là thu nhập không đáp ứng với nhu cầu và công sức họ bỏ ra ngày đêm canh giữ rừng. Trong khi đó, công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càng diễn biến phức tạp, để xảy ra phá rừng sẽ chịu trách nhiệm nặng nề.
“Những anh nào làm trên 10 năm công tác may ra mức thu nhập từ 5-5,5 triệu còn ổn định cuộc sống. Chứ anh em đại học mới ra trường vào làm thì chỉ nhận mức lương hơn 2 triệu đến 3 triệu đồng sẽ không đủ trang trải cuộc sống”, ông Tuyến bày tỏ và cho biết thêm, mấy năm trước đơn vị cũng có người xin nghỉ việc. Tuy nhiên từ đầu năm nay đến nay sở dĩ nhiều người xin nghỉ đột biến vì họ nghe phong phanh sắp tới tỉnh sẽ cắt trợ cấp ưu đãi ngành 20%. Từ đó lực lượng quản lý bảo vệ rừng nãn lòng bỏ việc khiến đơn vị đang thiếu 7 biên chế. Ngoài số lực lượng bảo vệ rừng đã xin nghỉ và chuyển công tác, hiện vẫn còn một số từ 5 đến 7 người cũng dự định nghỉ việc nếu các chế độ không có hoặc cắt 20% trợ cấp ưu đãi ngành.
Không chỉ 2 Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú, La Nga, mà theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, hầu như các Ban quản lý rừng khác hay Ban quản lý khu bảo tồn đều có người xin nghỉ việc hoặc bỏ việc. Cụ thể, từ tháng 10/2020 đến hết tháng 7/2022, toàn tỉnh này có 116 người, trong đó 4 người xin nghỉ hưu sớm, 9 người xin chuyển công tác và 103 người xin thôi việc bao gồm 13 kiểm lâm, 90 người là lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Trước tình hình trên, ngày 15/8 vừa qua, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận đã có văn bản gửi Sở Nội vụ tỉnh về sự cần thiết xây dựng mức hỗ trợ đối với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng.
Bởi theo ông Mai Kiều, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách ở các đơn vị chủ rừng thời gian qua chính là lực lượng nòng cốt, tuyến đầu, trực tiếp bám rừng, ăn, ngủ với rừng, làm nhiệm vụ tuần tra, quản lý bảo vệ rừng. Đây cũng là đội ngũ trực tiếp đương đầu, đấu tranh, trấn áp các đối tượng vi phạm về khai thác, vận chuyển lâm sản, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, đất rừng.
Vì vậy, nếu như không thực hiện mức hỗ trợ đối với viên chức, người lao động quản lý bảo vệ rừng thì đa phần sẽ có tác động tiêu cực đến lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Bởi hiện hầu hết các ban quản lý rừng đều thiếu người lao động bảo vệ rừng, song rất khó trong việc tuyển dụng người lao động mới. Vì đối với những người có trình độ chuyên môn trung cấp, cao đẳng, đại học thì họ không tha thiết vào làm việc tại các ban quản lý rừng do quá cực khổ nhưng lương thấp.
Còn đối với lao động phổ thông 12/12 thì khi mới vào làm việc, mức lương họ nhận hàng tháng hơn 2,4 triệu (bậc 1), chưa trừ bảo hiểm nên không đảm bảo trang trãi cho cuộc sống. Từ đó khi vào làm việc một thời gian họ sẽ xin thôi việc, gây khó khăn và ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị cũng như ảnh hưởng đến tâm lý chung của những người lao động đang thực hiện nhiệm vụ.
Do đó, Sở NN-PTNT Bình Thuận đề xuất hỗ trợ tổng thu nhập của một hợp đồng lao động mới tuyển dụng hơn 4,3 triệu đồng/tháng bao gồm lương tháng bậc 1 với tiền hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/người và tiền hỗ trợ lưu trú khi tuần tra kiểm tra rừng 900 ngàn đồng/người. Với mức thu nhập này cơ bản đảm bảo đời sống cho một lao động bảo vệ rừng, từ đó họ nhiệt huyết hơn trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Vào tháng 8/2022, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cũng có văn bản gửi Tổng cục Lâm nghiệp, trong đó đề xuất cấp thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù đối với viên chức, người lao động quản lý bảo vệ rừng tại các Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ và các Khu Bảo tồn thiên nhiên như chế độ phụ cấp ưu đãi nghề; chế độ hưởng phụ cấp thâm niên nghề; phụ cấp độc hại; chế độ thương binh, liệt sĩ do bị tai nạn trong khi thi hành nhiệm vụ. Đồng thời điều chỉnh, sửa đổi chính sách tiền lương, tăng thêm phụ cấp, nâng mức tiền công đi rừng. Từ đó mới hạn chế tình trạng xin nghỉ việc, bỏ việc của kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Nguồn tin: Kim Sơ-Minh Hậu/nongnghiep.vn