Với mục đích nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ các BQL thôn, bản về công tác truyền thông và giáo dục môi trường (TT&GDMT). Vừa qua, BQL Khu BTTN Pù Huống đã tổ chức tập huấn “Nâng cao kỹ năng giáo dục truyền thông môi trường đối với cộng đồng cho BQL, tổ chức đoàn thể các thôn bản vùng đệm”. Thành phần tham gia tập huấn là trưởng bản và cán bộ đoàn thanh niên các bản vùng đệm Khu BTTN Pù Huống.
Giáo dục truyền thông môi trường là sự kết hợp giữa TTMT và GDMT để tăng tính hiệu quả, tạo nên các hiệu ứng cho các hoạt động và chương trình. Nếu truyền thông môi trường là quá trình trong đó người gửi, truyền các thông điệp tới người nhận, hoặc trực tiếp hoặc thông qua các kênh, nhằm mục đích thay đổi nhận thức, kiến thức, thái độ, kỹ năng, thực hành của người nhận thông điệp thì GDMT là một quá trình tạo dựng cho con người có đầy đủ kiến thức và kỹ năng hoạt động nhằm tìm ra các giải pháp cho những vấn đề về môi trường. Truyền thông và giáo dục môi trường cần được thực hiện thường xuyên, lâu dài và đòi hỏi tính thích ứng, sáng tạo cao nhằm đưa tới các thông điệp với cộng đồng. Bởi vậy truyền thông môi trường là một hoạt động đóng vai trò hết sức quan trọng trong thành công của công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Với mục tiêu đào tạo những tuyên truyền viên cơ sở có thể hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ BQL Khu BTTN Pù Huống trong việc truyền tải những nội dung, thông điệp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học khóa tập huấn tập trung vào giới thiệu các khái niệm, mục tiêu, nguyên tắc, vài trò, đối tượng và các hình thức trong công tác truyền thông giáo dục môi trường; các học viên tham gia được hướng dẫn xây dựng và thực hiện hoạt động TT&GDMT theo 5 bước gồm: Đánh giá tình hình, thiết kế và lập kế hoạch, thử nghiệm và chỉnh sửa, thực hiện hoạt động, giám sát và đánh giá. ngoài ra các học viên được diễn giải các chủ đề và thông điệp về môi trường và các kỹ năng cơ bản như kỹ năng quan sát, kỹ năng lắng nghe và kỹ năng xử lý tình huống…
Trong những ngày diễn ra tập huấn, không khí hội trường luôn sôi nổi và đầy năng lượng. Sự tương tác giữa các học viên và giảng viên diễn ra thường xuyên. Những kinh nghiệm làm việc của các trưởng bản tại cơ sở kết hợp những sáng tạo tuổi trẻ đoàn thanh niên đã mang đến khóa tập huấn cái nhìn đa chiều trong công tác truyền thông và giáo dục môi trường tại cộng đồng các thôn, bản vùng đệm. ngoài ra Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) với những giảng viên giàu kinh nghiệm đã mang đến lớp tập huấn nhiều hoạt động và tình huống truyền thông để các học viên có thể thảo luận và đề ra các phương án xử lý khác nhau. Quá trình tập huấn được thiết kế bởi nhiều cách tiếp cận mới tăng sự tương tác giữa giảng viên và thành viên tham gia lớp tập huấn để chương trình tập huấn TT&GDMT đạt hiệu quả hơn.
Sau khi tham gia khóa tập huấn các đại biểu đã xác định được vai trò, trách nhiệm của bản thân và có cái nhìn mới tích cực hơn trong công tác truyền thông môi trường. Quan trọng hơn là các học viên có thể trực tiếp xây dựng và thực hiện hoạt động TT&GDMT, từ việc xây dựng kế hoạch và trực tiếp diễn giải các hoạt động truyền thông môi trường theo từng chủ đề, thông điệp cụ thể tại từng địa phương nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chúng, của người dân về sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học Khu BTTN Pù Huống.
Một số hình ảnh lớp tập huấn Truyền thông môi trường
Toàn cảnh lớp tập huấn
Các đại biểu tham gia lớp tập huấn
Hoạt động thảo luận nhóm
Truyền tải thông điệp nhóm
Đại biểu lớp tập huấn tham gia chụp ảnh lưu niệm
Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Sỹ - Phòng KHKT&HTQT