Hợp tác quản lý rừng là sự phối hợp, hợp tác, liên kết tự nguyện giữa ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp Nhà nước với cộng đồng hoặc giữa các thành viên trong cộng đồng để cùng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Hội nghị chuyên đề “Hợp tác quản lý rừng ở Việt Nam: thực tiễn và phát triển” vừa diễn ra tại Hà Nội, do Vụ Hợp tác Quốc tế phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì, đồng thời có sự tham gia của các cơ quan, ban ngành cùng các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan. Các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp đã có buổi thảo luận nhằm tìm ra các mô hình quản lý rừng hiệu quả, lộ trình và khuyến nghị chính sách phù hợp, cũng như làm rõ vai trò và trách nhiệm của các tác nhân trong quá trình hợp tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Hiện nay Việt Nam có 14.745.201ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10.171.757ha; rừng trồng 4.573.444ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%. Phân theo chức năng, rừng đặc dụng có 2.195.725ha, chiếm 14,8%; rừng phòng hộ có 4.695.514ha, chiếm 31,8%; rừng sản xuất có 7.853.962ha, chiếm 53,4%.
Theo thống kê, cả nước có 167 Ban quản lý rừng đặc dụng được giao quản lý 2.175.082ha, 216 Ban quản lý rừng phòng hộ được giao 3.059.535ha, 112 công ty lâm nghiệp nhà nước và một số công ty, doanh nghiệp được giao 1.688.803ha rừng sản xuất.
Trên 1 triệu hộ gia đình hộ gia đình, cá nhân trong nước được giao 3.101.858ha rừng, chủ yếu là rừng sản xuất; khoản 10.000 cộng đồng hiện đang quản lý và sử dụng (gồm đã giao và tự công nhận) 989.827ha rừng; 377.202ha rừng được giao cho các tổ chức là lực lượng vũ trang, khoa học công nghệ; 15.213ha đất rừng sản xuất cho các doang nghiệp đầu tư nước ngoài thuê để trồng rừng; 3.337.770ha rừng nghèo, rừng nghèo kiệt, đất chưa có rừng chưa giao (chưa có chủ) hiện tạm để UBND xã quản lý.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Thanh Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Rừng đặc dụng và Rừng phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp), cho biết, cộng đồng có vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc bảo vệ và phát triển rừng. Luật Lâm nghiệp 2017 quy định Nhà nước không thu tiền sử dụng rừng, áp dụng cho cả ba loại rừng sau khi giao rừng cho cộng đồng. Tuy nhiên, các quy định hiện nay về vấn đề hưởng lợi và đồng quản lý còn mờ nhạt, chưa rõ ràng”.
Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ dự thảo chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó có các quy định, hướng dẫn cụ thể hơn về trình tự các bước giao rừng, đặc biệt là cho đối tượng cộng đồng. Tuy nhiên công việc sửa đổi, cải thiện các chính sách gặp nhiều khó khăn, chưa khơi dậy được sự ủng hộ của cộng đồng trong vấn đề bảo vệ rừng. Hội thảo chuyên đề là nơi các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và một số mô hình hiệu quả phát triển rừng cho cộng đồng trong thời gian qua.
Đề cập đến những khó khăn, thách thức trong thực hiện hợp tác quản lý rừng, PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, cho biết hiện nay đối tượng cộng đồng không được pháp luật thừa nhận là một pháp nhân. Điều này dẫn đến khó khăn khi giải quyết quan hệ dân sự trong quản lý rừng. Cộng đồng không có nhiều cơ hội hay điều kiện tiếp cận các nguồn tài chính cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Thêm vào đó, quyền hạn của cộng đồng trong vấn đề quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế. Cộng đồng chỉ được giao rừng đặc dụng là các khu rừng tín ngưỡng. Nhiều khu rừng đã được cộng đồng quản lý từ lâu đời nhưng không được giao. Các quy định về hợp tác, liên kết của các Ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp với cộng đồng rất ít dẫn đến tình trạng ít trú trọng đến hợp tác quản lý rừng với cộng đồng so với các cá nhân, tổ chức khác.
Các quy định về quản lý, sử dụng rừng đặc dụng theo hướng bảo tồn chặt chẽ, hạn chế tối đa tác động vào rừng đặc dụng hoặc sử dụng rừng đặc dụng chưa khuyến khích hợp tác quản lý rừng. Cụ thể, Khoản 3, Điều 54, Luật Lâm nghiệp quy định cộng đồng chỉ được khoán bảo vệ rừng hoặc hợp tác, liên kết với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ để bảo vệ và phát triển rừng khu phục hồi sinh thái. Quy định này không cho phép cộng đồng hợp tác, liên kết trong việc gây trồng các cây lâm sản ngoài gỗ, kể cả các cây dược liệu dưới tán rừng đặc dụng.
Các kết nghiên cứu, đánh giá tổng kết về rừng giao, khoán cho cộng đồng đều cho thấy, những khu rừng giao cho cộng đồng thường là rừng nghèo hoặc nghèo kiệt nằm ở các vị trí khó tiếp cận, kể cả những diện tích mà công ty lâm nghiệp trả lại địa phương để giao lại cho cộng đồng và hộ gia đình đều là những diện tích đất xấu, nằm ở vị trí xa, khó tiếp cận.
Cả nước đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 524.477ha rừng, chiếm trên 50% diện tích rừng cộng đồng đang quản lý. Cộng đồng được cấp giấy chứng nhận sử dụng rừng chỉ những nơi có dự án mới có đủ kỹ thuật, nguồn lực cho điều tra, lập hồ sơ, giúp đỡ tổ chức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này gây ra chậm chễ trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng rừng cho cộng đồng.
Chính sách về sử dụng trên 3,3 triệu ha rừng hiện đang được UBND cấp xã tạm quản lý chưa rõ ràng. Hiện còn 3.337.770ha rừng nghèo, rừng nghèo kiệt, đất chưa có rừng nhưng chưa giao (không có chủ) hiện tạm để UBND xã quản lý. Những diện tích này ở vùng sâu, vùng xa; nhiều diện tích đang để hoang hóa hoặc đang sử dụng vào các mục đích khác không theo quy hoạch; nhiều nơi bị lấn chiếm, một số nơi có xung đột, tranh chấp.
Nhận diện những khó khăn, thách thức giữa cộng đồng và các bên liên quan, PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi đã có một số kiến nghị chính sách nhằm khuyến khích cộng đồng tham gia hợp tác quản lý rừng: 1) Sửa đổi, bổ sung một số quy định về giao đất rừng và giao rừng cho cộng đồng dân cư; 2) Sửa đổi, bổ sung một số quy định về sử dụng rừng đặc dụng; 3) Sửa đổi, bổ sung một số quy định về hợp tác quản lý rừng đặc dụng; 4) Khuyến khích cộng đồng thành lập tổ hợp tác cộng đồng quản lý rừng; 5) Xây dựng, thực hiện Chương trình Quốc gia về quản lý, sử dụng có hiệu quả 3 triệu ha đất rừng và rừng đang được UBND cấp xã quản lý, gọi tắt là Chương trình 3 triệu ha rừng.
“Đối với kiến nghị bổ sung một số quy định về giao đất rừng và giao rừng cho cộng đồng dân cư, tôi xin được thông tin rằng hiện nay dự án sửa đổi Luật Đất đai đang lấy ý kiến rộng rãi và đang từng bước tổng hợp, hoàn thiện để trình Quốc hội thẩm tra. Cộng đồng dân cư đã được cụ thể hóa và đưa vào trong ba Điều, bao gồm Điều 188 dành cho đất rừng sản xuất, Điều 189 đất rừng phòng hộ, và Điều 190 đất rừng đặc dụng. Về đất rừng sản xuất, Nhà nước quy định rõ rằng Nhà nước giao đất và công nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất cho cộng đồng dân cư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là một điều đáng mừng, giúp gia tăng quyền lợi và sự thừa nhận của Nhà nước đối với cộng đồng dân cư", đại diện của Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề thừa nhận tư cách pháp nhân đối với cộng đồng dân cư, theo quy định bộ Luật Dân sự, Điều 74 (2015) đưa ra bốn điều kiện để một cá nhân hoặc tổ chức được công nhận là pháp nhân: Có tài sản được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức, có cơ quan quản lý và điều hành; nhân danh bản thân tham gia các quan hệ pháp luật; tự chịu trách nhiệm một cách độc lập. Cộng đồng dân cư quản lý theo mô hình cộng đồng, trong khi đó bộ Luật Dân sự không hạn chế quyền được thành lập pháp nhân đối với cá nhân và pháp nhân. Nếu cộng đồng có thể đáp ứng đủ các điều kiện luật đưa ra, việc thành lập tư cách pháp nhân sẽ được thừa nhận”
Nguồn tin: Hoàng Giang/nongnghiep.vn