Bình Định là một trong những tỉnh có nghề trồng rừng phát triển mạnh trong khu vực miền Trung. Hiện, trên địa bàn tỉnh này có 124.871ha rừng trồng, 73.284 ha rừng quy hoạch chức năng sản xuất; trong đó, rừng trồng keo chiếm trên 80%. Diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng sản xuất không ngừng tăng trong thời gian qua, mỗi năm khai thác, trồng lại khoảng 8.000ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn/năm.
Để diện tích rừng trồng trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, Bình Định ban hành nhiều chính sách khuyến khích người dân miền núi trồng rừng. Đầu năm 2023, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương trong tỉnh rà soát diện tích, đối tượng có nhu cầu đăng ký hỗ trợ trồng rừng sản xuất trong năm 2023, theo quy định của Bộ NN-PTNT về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ người Kinh thuộc diện hộ nghèo, đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thuộc khu vực II và khu vực III theo quy định của Chính phủ, có nhu cầu hỗ trợ để trồng rừng trên diện tích đất chưa có rừng đã được quy hoạch phát triển rừng sản xuất, định mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/ha.
Đây là cách để Bình Định nâng cao diện tích rừng trồng trên địa bàn, đồng thời tạo điều kiện để những hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ người Kinh thuộc diện nghèo sống cạnh rừng ở những xã thuộc khu vực II, khu vực III có thêm thu nhập từ rừng, cải thiện cuộc sống.
Trong thời gian tới đây, Bình Định quyết tâm phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng là ngành kinh tế hiện đại, có sức cạnh tranh cao, hình thành mối liên kết theo chuỗi từ phát triển, bảo vệ, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản.
Phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Bình Định giao ngành nông nghiệp nhiệm vụ bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng trồng mới trong giai đoạn 2021 - 2025, duy trì ổn định độ che phủ rừng đến năm 2025 đạt trên 58%. Tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng. Tốc độ giá trị gia tăng trong sản xuất lâm nghiệp đạt 5 - 5,5% năm.
“Phát triển kinh tế rừng toàn diện, bền vững sẽ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng. Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020”, ông Trần Văn Phúc chia sẻ.
Nghịch lý của rừng trồng ở Bình Định hiện nay là trong 1 triệu tấn gỗ thu hoạch hàng năm, chỉ có khoảng 20% được sử dụng làm nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ tinh chế phục vụ xuất khẩu, 80% còn lại chủ yếu được bán cho các nhà máy chế biến dăm gỗ và sản xuất viên nén. Do vậy, rừng trồng chưa mang lại giá trị kinh tế tương xứng.
Bình Định xác định, muốn nâng cao giá trị rừng trồng cần phải phát triển rừng gỗ lớn. Thế nhưng hiện nay, trên địa bàn Bình Định chỉ mới hình thành khoảng 3.175ha rừng gỗ lớn từ trồng mới và rừng chuyển hóa, chủ yếu của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn. Hướng tới mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn Bình Định sẽ có 10.000ha diện tích rừng trồng gỗ lớn, trong thời gian đến Bình Định phải phấn đấu có thêm 7.334ha rừng gỗ lớn nữa.
Để đạt mục tiêu nói trên, trong những năm qua, ngành chức năng ở Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong phát triển rừng gỗ lớn. Giai đoạn 2020 - 2022, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện Vân Canh, Tây Sơn và Vĩnh Thạnh triển khai thực hiện nhiều mô hình “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô được công nhận” với diện tích 150ha tại 8 điểm trình diễn.
Mô hình được triển khai trên địa bàn 5 xã Canh Hiển, Canh Hiệp, Canh Hòa (huyện Vân Canh), Vĩnh An (huyện Tây Sơn) và Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) với sự tham gia của 56 hộ trồng rừng. Các mô hình nói trên sử dụng các giống cây keo lai cấy mô đã được công nhận; trong đó, có 100ha sử dụng dòng keo lai AH1, 45ha sử dụng dòng BV75 và 5ha sử dụng dòng keo lai AH7.
Cây giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô nên có chất lượng tốt, bộ rễ cọc phát triển mạnh, ăn sâu xuống đất, ít cành nhánh nên hạn chế được đổ gãy. Đồng thời, giống kéo lai cấy mô còn chống chịu tốt với thời tiết khô hạn, gió bão và ít bị sâu bệnh, năng suất cho cao hơn so với các dòng keo đang trồng đại trà khoảng 10 m3/ha/năm.
Đến nay, rừng trồng gỗ lớn trong các mô hình đã được 24 tháng tuổi, sinh trưởng và phát triển tốt, không bị sâu bệnh, tỷ lệ sống đạt 94,2%. Hiện cây rừng trong các mô hình đã có đường kính ngang ngực đạt 7,5cm; chiều cao vút ngọn đạt 8,5m, trữ lượng đạt khoảng 31,26 m3/ha, tăng trưởng bình quân đạt 15,63 m3/ha/năm.
“Bước đầu, thành công của các mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai cấy mô đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng các giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, phù hợp với trồng rừng thâm canh cung cấp cây gỗ lớn cho ngành chế biến gỗ trên địa bàn.
Ngành chức năng hướng dẫn nông dân nên trồng với mật độ thấp, khoảng 1.660 cây/ha, đầu tư bón phân cho rừng trồng trong 3 năm đầu. Với chu kỳ 10 năm trở lên, những cánh rừng gỗ lớn sẽ góp phần chống xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chia sẻ.
Nguồn tin: Vũ Đình Thung/nongnghiep.vn