Những dự án làm nghèo miền Tây Nghệ An: [Bài 1] Thanh Thành Đạt gom đất trồng rừng, dân phản ứng kịch liệt

Thứ tư - 16/11/2022 09:45

Có thời kỳ, hàng loạt ông lớn thi nhau về Nghệ An gom đất, gom rừng. Nhường chỗ cho doanh nghiệp, hàng chục nghìn ha đất rừng màu mỡ của người dân được sang tên đổi chủ. Nhưng thật xót xa khi nhiều dự án rầm rộ khi xưa đã không đi được đến đích nhưng hệ lụy để lại chưa biết khi nào mới chấm dứt.

Empty

Đại diện cho các hộ dân bản Khứm, xã Châu Hội trình bày nội dung liên quan đến việc tranh chấp quyền lợi của Công ty Thanh Thành Đạt. Ảnh: Công Điền.

Dân có trước hay dự án có trước?

Công ty TNHH Thanh Thành Đạt là doanh nghiệp tiên phong tại tỉnh Nghệ An trong việc gom đất rừng triển khai dự án vùng nguyên liệu. Song hành với lợi ích của doanh nghiệp là hàng loạt vấn đề bức bách mà chính quyền địa phương và đồng bào vùng cao, nơi Thanh Thành Đạt “tràn qua” phải nai lưng gánh chịu. Một trong số đó là khu vực bản Khứm, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu.

Quay ngược thời gian, ngày 12/10/2009 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 446/QĐ-UBND cho Công ty TNHH Thanh Thành Đạt thuê hơn 888ha đất lâm nghiệp tại huyện Quỳ Châu để thực hiện dự án, riêng tại xã Châu Hội hơn 242 ha, thời hạn đến hết ngày 11/6/2048.

Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu và Sở TN-MT tỉnh Nghệ An, từ năm 2011 đến tháng 12/2020, các hộ dân bản Khứm, xã Châu Hội đã tổ chức xâm chiếm đất của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt khoảng 200ha để trồng keo tại tiểu khu 190. Đến nay, số keo trồng trên diện tích xâm chiếm đã thu hoạch được 1 vụ và tiếp tục trồng vụ 2 (đã được 3-4 năm tuổi). Diện tích Công ty Thanh Thành Đạt sử dụng thực tế khoảng 42ha.

Empty

Những người đại diện cho quyền lợi của dân Bản Khứm khẳng định, họ không xâm chiếm tài sản của doanh nghiệp, thực chất cha ông đã khai hoang trước khi dự án được phê duyệt. Ảnh: Việt Khánh.  

Đầu năm 2021, Công ty Thanh Thành Đạt bắt đầu khai thác keo trên diện tích 42ha. Đến ngày 24/6/2021 có thông tin nhiều người dân thuộc bản Khứm tự ý vào xâm chiếm, đốt, xử lý thực bì và đào hố trồng cây (keo) ngay trên diện tích vừa khai thác xong, thuộc các thửa số 7, 180, 192, 201, 202, 210, 216 ở tiểu khu 190.

Qua kiểm kê, rà soát, xác minh, phần diện tích trên 240ha trong diện “tranh chấp” thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt. Dù vậy, hơn 100 hộ dân của bản Khứm, xã Châu Hội không nghĩ như thế, họ có cái lý của riêng mình và bảo vệ luận điểm này đến cùng. Không ai chịu ai, nút thắt mãi chưa thể tháo gỡ khiến căng thẳng ngày càng leo thang.

Đích thân các ông Lô Đình Thắng, Lương Văn Nam, Lô Văn Khoái, đại diện cho các hộ dân bản Khứm nhất quyết phản ứng lại lập luận của UBND huyện Quỳ Châu cùng các đơn vị chuyên ngành. Theo ông Lô Đình Thắng, đất lâm nghiệp tại tiểu khu 190, xã Châu Hội là đất của người dân bản Khứm đã sản xuất, canh tác từ thời xa xưa, đời ông cha đã có công vỡ đất làm nương, chăn nuôi, thả cá, các thế hệ sau cứ thế tiếp nối thành quả để lại.

“Người dân bản Khứm có mặt nơi đây trước khi dự án của Thanh Thành Đạt hình thành, sao lại nói chúng tôi xâm chiếm, phá hoại đất của doanh nghiệp. Khi Nhà nước giao đất cho Thanh Thành Đạt nhân dân bản Khứm không được họp bàn, thống nhất, cá nhân nào đứng ra chấp thuận người đó phải chịu trách nhiệm, không thể đổ vấy như thế được. Chúng tôi không đồng tình với chủ trương giao đất của UBND tỉnh”.

Empty

Dân Bản Khứm cho rằng, họ được phép canh tác, sản xuất trên quỹ đất của chính họ. Ảnh: Việt Khánh.

Đại diện các hộ dân cũng lập luận rằng, năm 2009, toàn bản Khứm chỉ có khoảng 100 hộ nhưng đến nay con số trên đã nhân lên gấp đôi (con cái lớn lên lập gia đình và tách hộ) nên nhu cầu sử dụng đất, canh tác cũng tăng lên theo. Từ đòi hỏi cấp bách, dân bản đề nghị Công ty TNHH Thanh Thành Đạt phải trả lại đất để giao cho nhân dân sản xuất, trồng rừng, ổn định cuộc sống, đặc biệt là đối với 13 hộ chưa được giao đất theo chủ trương chung.

Nếu theo dõi xuyên suốt quá trình giao và cấp Giất chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại riêng bản Khứm, nguyện vọng trên không hẳn vô căn cứ. Bằng chứng là xuyên suốt giai đoạn 2004 - 2013, mới chỉ 182/195 hộ dân bản Khứm được phân bổ quỹ đất sản xuất, chưa kể nhiều hộ phải sử dụng chung Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chuyện thật như bịa nhưng đúng là tại bản Khứm đang xảy ra sự cố dở khóc dở cười khi 109 hộ sở hữu 47 thửa đất với chỉ 41 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (7 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có 1 hộ sử dụng chung, 24 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có 2 hộ sử dụng chung, 9 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có 3 hộ sử dụng chung, 7 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có 4 hộ sử dụng chung, 5 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có 2 hộ sử dụng chung).

Công tác quản lý tài nguyên nhộm nhoạm tất thảy kéo theo đơn thư kiến nghị, phản ánh, đề xuất giải quyết tới tấp được gửi đến chính quyền các cấp suốt thời gian qua. Ngặt nỗi, để giải quyết tận cùng gốc rễ đòi hỏi phải hội tụ nhiều yếu tố, bao gồm cả phần đất tranh chấp giữa người dân và doanh nghiệp suốt những năm qua.

Không muốn lặp lại tình trạng “đêm dài lắm mộng”, mới đây nhất (tháng 8/2022) Thường trực Huyện ủy Quỳ Châu đã tổ chức đối thoại với nhân dân bản Khứm, xã Châu Hội. Có điều kết quả cơ bản vẫn như cũ, tựu chung các bên liên quan cơ bản vẫn chưa thống nhất được phương án tối ưu, mọi thứ vẫn như rối như tơ vò.

Ngày 6/11/2022, trao đổi cùng phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Hải Lý, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu xác nhận: “Sau buổi đối thoại, đến nay Công ty TNHH Thanh Thành Đạt vẫn chưa có động tĩnh gì”.

Empty

Đời sống của nhân dân bản Khứm còn rất khó khăn, nhiều hộ không có đất, hoặc thiếu đất sản xuất trầm trọng. Ảnh: Việt Khánh.

Đề nghị Thanh Thành Đạt trả lại 200ha

Xoay quanh tranh chấp gay gắt giữa Thanh Thành Đạt và các hộ dân bản Khứm, xã Châu Hội, quan điểm của UBND huyện Quỳ Châu là xử lý nghiêm phần diện tích 42ha mà người dân đang lấn chiếm, tránh hệ lụy không đáng có về sau.

Tuy nhiên, với phần diện tích 200ha còn lại, đề nghị Công ty TNHH Thanh Thành Đạt xem xét trả lại cho địa phương nếu doanh nghiệp này không thực sự có nhu cầu sử dụng. Qua đó, tính toán phương án bàn giao lại cho các hộ dân sản xuất trồng rừng, vừa đảm bảo sinh kế lại ổn định tình hình chính trị tại địa phương.

Đáng chú ý, nội dung này nhận được sự thống nhất cao của Sở TN-MT tỉnh Nghệ An, dù vậy Thanh Thành Đạt vẫn chưa trả lời dứt điểm.

Quan điểm nêu trên đã chứng minh phần nào việc “khát” đất sản xuất đến cùng cực của đồng bào bản địa, vốn là tư liệu không thể thiếu để họ duy trì cuộc sống thường nhật. Ngược lại, cũng thể hiện chính xác nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, để từ đó có những quyết sách đúng đắn tránh làm thất thoát thêm nguồn tài nguyên, quan trọng hơn cả là sớm giải được bài toán “người cần không có, người có không cần”.

Empty

Đánh giá tổng quan thực trạng dự án của Thanh Thành Đạt, qua đó thu hồi những diện tích doanh nghiệp không đả động đến để giao khoán cho các hộ dân có nhu cầu là việc chính quyền tỉnh Nghệ An nên làm. Ảnh: Việt Khánh. 

Trở lại với Thanh Thành Đạt, thực sự doanh nghiệp này không mấy mặn mà trên quỹ đất 200ha trong diện bị lấn chiếm, tranh chấp (số liệu thống kê thể hiện không sử dụng từ năm 2012 đến nay). Chính UBND huyện Quỳ Châu đánh giá doanh nghiệp này “chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác sử dụng, quản lý và bảo vệ diện tích đất lâm nghiệp được giao”.

Từ thực tế lâu nay có thể khẳng định, nhu cầu trồng rừng của Thanh Thành Đạt tại riêng huyện Quỳ Châu không lên đến con số 888ha như phê duyệt của tỉnh Nghệ An. Càng ngỡ ngàng hơn khi biết rằng, năm 2008, qua công tác lập và phê duyệt ban đầu, doanh nghiệp này được ưu ái quỹ đất khổng lồ 1.040ha. Đáng lưu tâm hơn nữa khi vị trí thuê đất trồng rừng nguyên liệu vốn dĩ trước đó được UBND tỉnh cho phép Công ty TNHH Innov Green khảo sát, tuy nhiên nhận thấy dự án này ảnh hưởng đến… an ninh quốc phòng nên không quy hoạch vùng nguyên liệu.

Nguồn: Việt Khánh - Công Điền
https://nongnghiep.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Thống kê
  • Đang truy cập65
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm64
  • Hôm nay9,715
  • Tháng hiện tại414,616
  • Tổng lượt truy cập4,040,779
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây