Những dự án làm nghèo miền Tây Nghệ An: [Bài 3] Ám ảnh siêu dự án 'chết lâm sàng' Tân Hồng

Thứ tư - 16/11/2022 09:56
Empty

Dự án nhà máy sản xuất và chế biến bột giấy Tân Hồng là cơn ác mộng dài kỳ đối với 5 huyện vùng cao của tỉnh Nghệ Anh. Ảnh: Việt Khánh.

Khốn khổ 12 năm vì lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý

Dự án nhà máy sản xuất và chế biến bột giấy Tân Hồng hướng đến mục tiêu hình thành vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn, ấp ủ cung cấp đầy đủ đầu vào cho một chiến dịch dài hơi. Qua đó, từng bước góp phần giải quyết nhu cầu việc làm, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo và tăng nguồn thu cho ngân sách của địa phương.

Để cụ thể hóa, ngày 7/7/2009 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3226/QĐ-UBND.ĐT phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng trồng rừng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy sản xuất và chế biến bột giấy Tân Hồng tại 26 xã (127 tiểu khu) thuộc 2 huyện Tương Dương và Con Cuông với tổng diện tích quy hoạch trên 21.737ha, hiện trạng chủ yếu là đất trống.

Nhận thấy chưa đủ lớn, ngày 29/10/2009 UBND tỉnh tiếp tục ban hành Công văn số 5581/QĐ-UBND.NN phê duyệt quy hoạch, mở rộng thêm 25.381ha vùng nguyên liệu, trải dài khắp 3 huyện Anh Sơn, Thanh Chương và Tân Kỳ. Tính ra tổng diện tích liên doanh liên kết của dự án đạt đến con số 47.118ha, từ những thông số nêu trên đủ thấy Nghệ An ưu ái và kỳ vọng vào dự án này lớn đến nhường nào.

Cần nói thêm, trong quá trình chuẩn bị (rà soát, đánh giá hiện trạng…), Công ty CP Xuất Nhập khẩu Tân Hồng, chủ đầu tư dự án đình đám đã vẽ hình ảnh vô cùng hào nhoáng xen lẫn tâm thế luôn sẵn sàng chơi lớn để chiếm lòng tin.

Empty

Để phục vụ dự án này, hơn 47.000 héc-ta diện tích đã được đưa vào liên doanh liên kết. Ảnh: Việt Khánh.

Ngay khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, năm 2010 doanh nghiệp này tức thì xắn tay đầu tư vốn, hỗ trợ cây giống, quy trình công nghệ để trồng thử nghiệm trên một số diện tích. Mọi thứ đang diễn ra như mơ thì đùng cái dự án ngàn tỷ chết lâm sàng khi người đứng đầu vướng vòng lao lý, con tạo xoay vần nhanh chóng mặt khiến cấp chính quyền và số đông đồng bào chưng hửng.

Tại huyện Con Cuông, nơi đặt trụ sở nhà máy giấy Tân Hồng có 7.899ha được tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu, bao gồm 1.988ha đất đã có rừng trồng, hơn 5.900ha khác là trạng thái rừng IA, IB, IC ở 45 tiểu khu, thuộc địa bàn 12 xã.

Quá trình thực hiện chính sách trồng rừng, bước đầu Tân Hồng cử cán bộ xuống trực tiếp khâu nối, dù vậy đến năm 2013 lại chính thức ngừng giao dịch. Mòn mỏi trông ngóng không thấy bóng dáng chủ đầu tư, về sau người dân chủ động khai thác bán tự do cho cánh thương lái. Đáng bàn trên những diện tích này cũng chỉ độc trồng keo, bởi lẽ đã “trót” nằm trong vùng quy hoạch chẳng thể nào vượt rào.

Empty

Trao đổi với PV NNVN (ngoài cùng bên phải), cán bộ và người dân bản Tổng Chai, xã Chi Khê, huyện Con Cuông thừa nhận, nhiều năm rồi không tiếp nhận được thông tin từ Công ty Tân Hồng. Ảnh: Công Điền.

Dự án thoi thóp đến mức không thể nào cứu vãn nổi nhưng lạ thay công tác đánh giá hiện trạng, xử lý nút thắt của Nghệ An lại quá chậm chạp, điều này trực tiếp kéo tụt đà tụt hậu của các huyện dọc tuyến Quốc lộ 7 tận… 12 năm.

Phải đến ngày 18/7/2022, sau rất nhiều lần đắn đo, nâng lên đặt xuống UBND tỉnh Nghệ An mới chính thức có Văn bản số 2084/QĐ-UBND Quyết định “Hủy bỏ quy hoạch chi tiết vùng trồng rừng nguyên liệu phục vụ nhà máy sản xuất và chế biến bột giấy Tân Hồng”, đồng nghĩa 47.118ha được cởi trói. Câu hỏi đặt ra, vì sao Nghệ An lại ngâm dự án này lâu đến thế?

Empty

Không thấy bóng dáng chủ đầu tư, gia đình chị Lô Thị Phương, trú bản Tổng Chai đã thu hoạch keo bán cho thương lái. Vướng vào quy hoạch, từ đó đến nay cũng chỉ độc trồng keo. Ảnh: Việt Khánh.  

12 năm không phải là ngắn, việc nằm trong quy hoạch treo quá lâu khiến đời sống của đồng bào 5 huyện Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ bị ảnh hưởng nặng nề, mọi toan tính chỉ có thể triển khai ở dạng cầm chừng. Nhìn rộng ra, dự án ma Tân Hồng còn làm mất đi nhiều cơ hội đón sóng đầu tư, qua đó kìm hãm nhịp phát triển của cả 5 huyện nêu trên. Một dự án “khủng” thất bại hoàn toàn và gây ra nhiều hệ lụy tiềm tàng là điều khó chấp nhận. Vậy ai vẽ quy hoạch, ai phê duyệt chủ trương, ai chịu trách nhiệm?

Vết xe đổ liệu có lặp lại?

Năm 2019, ông Thái Thanh Quý, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ đã đồng ý về mặt chủ trương, cho phép Công ty CP Huy Tuấn được lập thủ tục hồ sơ thuê khu đất đã trúng đấu giá tài sản gắn liền với diện tích đất của Công ty CP Xuất nhập khẩu Tân Hồng tại xã Chi Khê, huyện Con Cuông.

Động thái này tưởng chừng sẽ tạo đà hồi sinh dự án khủng, tuy nhiên thực tế không phải vậy. Tình hình từ đó đến nay gần như dậm chân tại chỗ, nguy cơ dẫm lại vết xe đổ là điều hoàn toàn có thể xảy đến.

Đã từng nếm trái đắng nhưng chừng đó xem ra chưa đủ sức cảnh tỉnh đối với Nghệ An, thật khó tin khi đã gần 4 năm trôi qua nhưng Công ty CP Huy Tuấn và các bên liên quan vẫn mông lung trong việc hoạch định chiến lược dài lâu.

Trước đó, vào tháng 5/2019 UBND huyện Con Cuông có kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh, Sở NN-PTNT kiểm tra phương án sản xuất của công ty Huy Tuấn và giữ vững vùng nguyên liệu cho công ty hoạt động.

Các cơ quan, ban ngành cũng có những động thái tham mưu nhất định nhưng chung quy chưa tìm ra phương án tối ưu. Đáng nói hơn, suốt thời gian qua, Công ty Huy Tuấn, mắt xích quan trọng của dự án lại thiếu sự chủ động cần thiết khiến tiến độ chung chậm như rùa bò (?!).

Empty

Sau khi tìm hiểu, Công ty CP Huy Tuấn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ hồi sinh dự án này. Ảnh: Việt Khánh.

Huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An và số đông đồng bào không thể mòn mỏi đợi chờ Huy Tuấn như đã làm với Tân Hồng. Việc cấp bách nhất lúc này đánh giá chi tiết kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp thay thế, nếu chủ đầu tư vẫn áp dụng quy trình làm giấy như trước đó thì vị trí hiện hữu của nhà máy, vốn dĩ được phê duyệt ở trên thượng nguồn sông Lam, địa điểm kề sát bờ sông thực sự là hiểm họa khôn lường.

Bàn đến khía cạnh này, ông Lương Đình Việt, Phó Chủ tịch huyện Con Cuông nói rõ quan điểm: “Nếu Huy Tuấn tiếp nhận lại địa phương sẽ có trách nhiệm đồng hành, tạo điều kiện về mặt thủ tục hành chính để doanh nghiệp đầu tư, vấn đề là làm thế nào hoạt động có hiệu quả và đảm bảo môi trường, huyện Con Cuông đặt yếu tố môi trường lên trên hết.

Công ty phải chứng minh được với cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chuyên môn về tính khoa học, cam kết phải giải quyết vấn tận gốc để hạn chế thấp nhất nguy cơ ô nhiễm môi trường (nằm trong phạm vi cho phép). Quá trình hoạt động, nhất thiết phải có cơ quan chuyên môn độc lập thường xuyên bám sát, định kỳ 3 tháng phải lấy mẫu kiểm tra, báo cáo vấn đề này”.

Empty

Nếu vẫn tiếp tục với ngành nghề sản xuất, kinh doanh giấy thì hiểm họa về môi trường do nhà máy gây ra, nơi có vị trí sát bờ sông Lam là điều khó tránh. Ảnh: Việt Khánh. 

Ông Lộc Văn Hợi, Chủ tịch xã Chi Khê cùng chung quan điểm: “Nhà máy đặt ở thôn Tổng Chai (Chi Khê), năm 2010 mới chỉ vận hành thử được gần một tháng thì dừng hẳn, do đó không thể đánh giá chính xác mức độ tác động đến môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, qua thông tin nhiều chiều, chúng tôi nhận thấy vấn đề xử lý môi trường vô cùng phức tạp, bởi thế người dân bản địa hết sức lo lắng trước viễn cảnh nhà máy tái hoạt động trở lại. Huy Tuấn tiếp nhận từ 2019, đến nay cơ bản chưa thấy động tĩnh gì. Khôi phục dự án là tín hiệu tốt nhưng nếu môi trường bị đánh đổi là điều chúng tôi không hề mong chờ”, ông Hợi khẳng định.

Nguồn: Việt Khánh - Công Điền
https://nongnghiep.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Thống kê
  • Đang truy cập67
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm65
  • Hôm nay9,676
  • Tháng hiện tại414,577
  • Tổng lượt truy cập4,040,740
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây