Vướng mắc từ cơ sở
Huyện miền núi Quỳ Châu đang thực hiện Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện giai đoạn 2020 – 2025, trong đó có việc bảo tồn gen và phát triển chăn nuôi vịt bầu Quỳ. Theo đó, các hộ dân thực hiện đề án được hỗ trợ 100% tiền mua con giống vịt và 1 tháng thức ăn chăn nuôi, được hướng dẫn các kiến thức thú y, chăm sóc đàn vật nuôi.
Tuy nhiên, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳ Châu, huyện đang gặp vướng mắc khi đã hết tháng 11/2022 nhưng nguồn vốn Dự án 2 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới chưa thấy đâu. Tìm hiểu được biết, ngày 12/10/2022 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 45 về phân bổ chi tiết mức hỗ trợ quay vòng vốn đầu tư đối với các đối tượng thụ hưởng như: hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác trong thực hiện dự án. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang chờ UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng có văn bản hướng dẫn thực hiện.
Hiện nay huyện Quỳ Châu đang duy trì tổng đàn vịt bầu Quỳ trên 8.000 con, trong đó có nhiều hộ gia đình được hỗ trợ giống từ nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Ảnh: Hoài Thu |
Để động viên người dân thực hiện các hạng mục của Đề án cho kịp thời vụ, huyện Quỳ Châu đang “hứa trước, giải ngân sau”. Trước mắt vận động người dân tự bỏ vốn thực thực hiện trước, chính quyền sẽ hoàn thiện hồ sơ giải ngân chi trả sau. Cũng chính vì sự chậm trễ này mà nhiều hộ dân không mặn mà trong việc thực hiện đề án.
Bên cạnh đó, Quỳ Châu còn “gặp khó” trong thực hiện Tiểu dự án 1 - Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân thuộc Dự án 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể, một số nội dung chưa có văn bản hướng dẫn phân cấp cơ quan thẩm định thiết kế, dự toán, đối tượng thụ hưởng chính sách và qui định loại gạo hỗ trợ cho người dân...Hiện nay, huyện đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh sớm có hướng dẫn cụ thể để có cơ sở thực hiện các hạng mục của tiểu dự án, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo đúng quy định.
Trong khi đó, huyện Tương Dương cũng đang lúng túng trong thực hiện các nội dung liên quan công tác bảo vệ rừng. Ngày 17/11/2022 UBND, huyện đã có Công văn số 1267/UBND-NN gửi UBND tỉnh, kiến nghị giải quyết một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022.
Theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tương Dương, hiện nay Tương Dương có 100% diện tích có rừng tự nhiên thuộc đối tượng của tiểu dự án 1 đã được lập hồ sơ hưởng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, huyện còn lúng túng vì chưa có hướng dẫn về việc cùng một diện tích rừng được bảo vệ, người dân có được hưởng đồng thời 2 chính sách (gồm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và chính sách giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng theo tiểu dự án 1) hay không?. Với đối tượng khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, UBND tỉnh bố trí kinh phí từ ngày 30/6/2022 tại Quyết định số 1892/QĐ-UBND. Trong thực tế, người dân đã thực hiện việc bảo vệ rừng một cách liên tục từ trước, vậy họ có được hưởng chính sách hỗ trợ từ ngày ngày 01/01/2022 - đến ngày 30/06/2022 hay không?.
Rừng săng lẻ ở xã Tam Đình (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Thành Cường |
Đối với việc lập hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoản 4, điều 10, Thông tư 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính quy định “Kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng 50.000 đồng/ha”. Song việc lập hồ sơ do đơn vị sử dụng ngân sách tự thực hiện hay phải thuê đơn vị tư vấn thực hiện thì vẫn chưa có hướng dẫn nên địa phương vẫn đang phải chờ.
Trước những kiến nghị của địa phương, trong khi chờ văn bản của các cấp ngành chức năng, để giúp cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, kịp thời giải ngân nguồn vốn trong năm 2022, ngày 31/10/2022, Sở NN&PTNT có Công văn số 3954/SNN-PTNT gửi các huyện, thành, thị đề nghị các địa phương căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Trung ương và nội dung các Nghị quyết HĐND tỉnh, các Quyết định của UBND tỉnh để thực hiện lập dự toán, giải ngân trong năm 2022.
Tuy nhiên, các địa phương vẫn gặp khó khi Sở Tài chính chưa có quy định mức chi hỗ trợ đối với từng hạng mục, danh mục cụ thể nên hầu hết các hạng mục chưa thể thực hiện. Vì vậy, đến đầu tháng 12/2022, một số hạng mục đã được tỉnh cho phép lùi thời hạn giải ngân sang năm 2023.
Cần đảm bảo nguồn đối ứng
Không chỉ ở Quỳ Châu, Tương Dương, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022 ở huyện Quế Phong cũng đang gặp khó.
Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, nguồn chương trình mục tiêu Quốc gia nói chung và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng, ngân sách Trung ương và tỉnh phân bổ vốn về thì mới có thể huyện triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, các nguồn kinh phí trên vẫn chưa được giải ngân vì đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ.
Nâng cấp Quốc lộ 48 đoạn qua xã Tiền Phong, huyện Quế Phong. Ảnh: Nguyễn Hải |
Đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch cũng Quế Phong cho biết thêm: Quế Phong là huyện 30a, có tới 12/14 xã khu vực III nên các địa phương gặp rất nhiều khó khăn vì không đủ nguồn bố trí vốn đối ứng. Trên thực tế, huyện chỉ đủ nguồn bố trí theo mức tối thiểu 30 triệu đồng đến tối đa là 100 triệu đồng/dự án và tổng số vốn đối ứng hàng năm cũng chỉ trên 1 tỷ đồng cho tất cả các dự án trên địa bàn. Cũng vì thiếu kinh phí đối ứng mà mấy năm qua, huyện Quế Phong không nhận các dự án giao thông mới bởi theo quy định, mỗi km đường giao thông miền núi có kinh phí thực hiện khoảng 1,6 tỷ đồng, nhưng thực tế để làm đường miền núi tại Quế Phong, Quỳ Châu thì chi phí phải gần gấp đôi (khoảng 3 tỷ đồng/km). Với thực tế trên, mới đây, huyện đã có văn bản kiến nghị: Đối với các huyện 30A, phần 10% vốn đối ứng mà Trung ương giao cho ngân sách địa phương bố trí thì ngân sách tỉnh bố trí luôn bởi ngân sách huyện, xã không đáp ứng được. Thực trạng ở huyện Quế Phong cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương vùng miền núi trong tỉnh.
Ông Lương Văn Khánh - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: So với trước đây, theo quy định của Luật Đầu tư công, nguồn kinh phí đối ứng của địa phương phải chủ động bố trí ngay từ đầu nên khi nguồn tổng thể được cấp có thẩm quyền thông qua thì đồng nghĩa với ngân sách địa phương cũng phải bố trí nguồn đối ứng.
Trong số 716 công trình dự án liên quan đến chính sách dân tộc, có 20 công trình có tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng trở lên được tỉnh phê duyệt, còn lại các dự án có quy mô dưới 15 tỷ đồng được giao cho UBND các huyện phê duyệt. Hiện tại, sau khi được UBND tỉnh thông qua, các địa phương đang làm thủ tục chọn hồ sơ, nhà thầu hoặc tổ chức đấu thầu theo quy định.
Cũng theo đại diện Ban Dân tộc tỉnh, mặc dù nguồn vốn thực hiện chương trình về khá chậm, mãi đến cuối tháng 10 mới có kế hoạch phân bổ chi tiết nguồn vốn thực hiện nên chưa có khối lượng triển khai trên thực tế. Nguyên nhân, do đầu nhiệm kỳ, cùng với đánh giá, xếp loại thôn, bản và xã theo chuẩn mới, tiêu chí, nguyên tắc phân bổ vốn cũng có sự thay đổi so với các năm trước. Tuy vậy, nhờ chuẩn bị tốt hồ sơ, kế hoạch đầu tư nên đến thời điểm này, Nghệ An là 1 trong 3 tỉnh của cả nước đã giao được vốn đến danh mục dự án. Giai đoạn 2021-2025, Nghệ An được phân bổ 2.632,56 tỷ đồng để thực hiện 10 dự án liên quan đến lĩnh vực dân tộc và miền núi. Trong đó, năm 2022 được phân bổ 492,54 tỷ đồng để triển khai 9 dự án. Nếu mọi việc triển khai thuận lợi, Ban Dân tộc tỉnh phấn đấu giải ngân 60% nguồn vốn bố trí cho các công trình mục tiêu trong năm 2022.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Nghệ An chiếm 83% diện tích tự nhiên và 41% dân số toàn tỉnh; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh. Đồng thời có 24 xã biên giới có liên quan đến việc thực hiện các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp giáp với nước bạn Lào. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025) được thực hiện trên địa bàn 131 xã (76 xã khu vực III, 55 xã khu vực I) và 588 thôn, bản đặc biệt khó khăn; tổng kế hoạch vốn năm 2022 là 874,469 tỷ đồng. Trong đó,ngân sách Trung ương là 794,972 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng 79,497 tỷ đồng.
Nguồn tin: Hoài Thu - Nguyễn Hải/baonghean.vn