Cuốn sách này được hi vọng sẽ là nguồn tài liệu hữu ích hỗ trợ các cơ quan chức năng, các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã định dạng 26 loài rùa cạn và rùa nước ngọt bản địa tại Việt Nam, từ đó đảm bảo điều kiện chăm sóc, môi trường tái thả phù hợp cũng như hướng dẫn quy định pháp luật và hình thức xử phạt với hành vi buôn bán rùa trái phép.
Rùa thường bị săn bắt và buôn bán trái phép nhằm phục vụ nhu cầu nuôi làm cảnh, tập tục “phóng sinh” hay sử dụng làm thực phẩm và chế tác các sản phẩm khác. Nhiều cá thể rùa có thể bị săn bắt tại Việt Nam hoặc nhập lậu vào nước ta với điểm đến cuối cùng là phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc. Khi phát hiện các trường hợp bán rong rùa trên đường phố, buôn bán quy mô lớn hay các loại hình vi phạm khác, việc định dạng đúng loài rùa đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo áp dụng pháp luật chính xác trong xử lý vi phạm cũng như tạo điều kiện cho quá trình tiếp nhận, xử lý cá thể rùa dựa trên tập tính sinh thái của loài trước khi cá thể này được chuyển giao đến trung tâm cứu hộ hoặc tái thả về tự nhiên.
“Tình trạng buôn bán rùa trái phép tại Việt Nam vẫn đang là vấn nạn cần phải xử lý” - Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc, ENV chia sẻ. “Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, hàng tấn rùa bị nhập lậu vào Việt Nam từ Lào và Campuchia, nhiều trường hợp trong số đó sẽ được “hợp pháp hóa” tại các cơ sở gây nuôi được cấp phép trước khi vận chuyển về phía bắc và “vượt biên” sang Trung Quốc.”
Theo ENV, hầu hết các loài rùa bản địa của Việt Nam đều được đưa vào các danh mục bảo vệ theo quy định của pháp luật. Trong số 26 loài rùa có phân bố tự nhiên tại Việt Nam, 23 loài được liệt kê trong các danh mục loài nguy cấp, quý hiếm, với 8 loài bị cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Ngoài ra, 24 loài rùa của Việt Nam cũng được liệt kê trong các Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đòi hỏi phải có được cấp phép khi buôn bán, vận chuyển quốc tế. Cùng với đó, Sách đỏ về các loài nguy cấp của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) cũng phân loại 23 loài rùa của Việt Nam ở mức độ nguy cấp và cực kỳ nguy cấp.
Bà Hà tiếp tục chia sẻ: “Dù được pháp luật bảo vệ nhưng hầu hết các loài rùa bản địa của chúng ta đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên. Chúng tôi hy vọng với sự hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật, các nhà hoạch định chính sách, cũng như sự ủng hộ của cộng đồng, chúng ta có thể phục hồi và bảo vệ các loài rùa như một cách gìn giữ phần nào văn hóa bản địa.”.
Từ năm 2018 đến nay, Phòng Bảo vệ động vật hoang dã của ENV đã ghi nhận hơn 1.894 trường hợp vi phạm (bao gồm 2.644 hành vi vi phạm cụ thể) liên quan đến các loài rùa cạn và rùa nước ngọt. Cùng với đó là hơn 3.500 cá thể rùa được giải cứu từ 475 vụ bắt giữ vi phạm. Riêng trong năm 2021 đã có 1.071 cá thể rùa còn sống được giải cứu từ 79 vụ vi phạm bao gồm nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021 và 2022, nhiều mức án nghiêm khắc từ 09 tháng lên tới 10,5 năm tù được áp dụng với các đối tượng buôn bán rùa trái phép cũng đã cho thấy những nỗ lực đáng kể trong công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn bán rùa trái phép.
Bản in “Sách hướng dẫn định loại các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam 2022” đã được phát hành rộng rãi tới các cơ quan trung ương và địa phương như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục kiểm lâm các địa phương, một số trường đại học và các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Bên cạnh bản trực tuyến, cá nhân hay các đơn vị có thể nhận bản in bổ sung từ ENV hoặc Chương trình bảo tồn rùa Châu Á.
ENV và Chương trình bảo tồn rùa châu Á trân trọng cảm ơn những hỗ trợ của Cleveland Metro Parks Zoo trong việc xây dựng và phát hành ấn phẩm này.
Nguồn:
https://www.thiennhien.org/ra-mat-sach-huong-dan-dinh-dang-cac-loai-rua-can-va-rua-nuoc-ngot-viet-nam-2022...