Hai mẹ con Bella và Tank. Ảnh tư liệu: Ayesha Cantor
Bella, tên gọi của cá thể tê giác trắng cái mới 20 tuổi, vừa bị giết hại dã man bởi những kẻ săn trộm tại khu bảo tồn Kragga Kamma (Easter Cape, Nam Phi). Trước đó một tuần, các bác sỹ thú y đã cưa sừng của Bella với hi vọng sẽ giúp nó tránh khỏi tầm ngắm của bọn săn trộm.
Nhưng rõ ràng như thế vẫn chưa đủ. Vì Bella vẫn bị giết, chỉ vì 1cm chân sừng còn sót lại.
Tê giác trắng Bella chết đi, để lại tê trắng con Tank, mới 16 tháng tuổi – độ tuổi vẫn còn cần được bú mẹ. Kiểm lâm trong đội phòng chống săn trộm đã tìm được Tank đang khóc gọi mẹ. Chú tê giác con Tank cũng bị thương, nhưng có lẽ là do bị động vật khác tấn công.
Tiếng khóc xé màn đêm của tê giác Tank khi mẹ bị giết!
Tank đã được đưa về trung tâm cứu hộ dành cho những tê giác con mồ côi ở Nam Phi. Tuy nhiên, những chú tê giác con bị mồ côi mẹ thường có tỉ lệ chết rất cao, do quá căng thẳng và sợ hãi sau những vụ tấn công. Rủi ro đó thấp hơn nhiều nếu để Tank ở ngoài tự nhiên, bởi không còn sự săn sóc và bảo vệ của tê giác mẹ, tê giác con thường bị những loài động vật lớn hơn tấn công.
Các bác sỹ thú y đã cưa sừng của Bella giúp nó tránh khỏi tầm ngắm của bọn săn trộm. Ảnh tư liệu: Ayesha Cantor
Bella trong gia đoạn phục hồi sức sau khi được cưa sừng. Ảnh tư liệu: Ayesha Cantor
Người quản lý tại khu bảo tồn - Ayesha Cantor, với vẻ mặt lộ rõ nỗi buồn, bày tỏ: “Thật sự là quá kinh khủng, họ giết Bella chỉ vì 1cm sừng của nó. Chúng tôi không thể hiểu được sự tàn sát man rợ này”.
Bella là một ví dụ điển hình của việc tê giác đang bị tàn sát ở châu Phi để lấy sừng, phục vụ cho nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở các nước châu Á, điển hình là Trung Quốc và Việt Nam. Nạn săn bắn tê giác đã đẩy nhiều phân loài tê giác vào vực tuyệt chủng.
Tháng ba vừa qua, cá thể tê giác trắng đực Bắc Phi cuối cùng đã chết vì tuổi già ở khu bảo tồn Ol Pejeta (Kenya). Phân loài tê giác đen Tây Phi cũng đã bị công bố tuyệt chủng vào năm 2011. Ở Việt Nam, cá thể tê giác cuối cùng bị giết tại vườn quốc gia Cát Tiên vào năm 2010.
Trang Nguyễn, giám đốc tổ chức bảo tồn động vật hoang dã WildAct, người thường xuyên làm việc ở Nam Phi và cũng là bạn của Ayesha, cho hay: “Trái ngược với những lời đồn đại, sừng tê giác không hề có khả năng chữa trị bất cứ loại bệnh nào, và điều này đã được khoa học chứng minh. Tôi hi vọng rằng con người chúng ta có thể trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, không phải chỉ để bảo vệ thiên nhiên hoang dã, mà còn để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình và những người xung quanh”.
Nhưng cá thể tê giác trắng không thoát khỏi họng súng của bọn săn trộm. Ảnh tư liệu: Ayesha Cantor
Nhà bảo tồn học trẻ tuổi Trang Nguyễn chia sẻ một thực tế còn nghiệt ngã hơn: “Việc tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã còn đẩy tính mạng của rất nhiều người vào tình thế nguy hiểm. Chỉ trong 10 năm qua có hơn 1.000 kiểm lâm bị giết hại khi đang thi hành nhiệm vụ. Bảo tồn động vật hoang dã không phải công việc của riêng cá nhân hay tập thể nào, mà đó còn là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Bảo tồn động vật hoang dã không chỉ để bảo vệ thiên nhiên, mà đó còn là bảo vệ chính mạng sống của con người chúng ta nữa”.
Từ nay, Tank sẽ không còn mẹ Bella chăm sóc, chở che bên cạnh nữa...Ảnh tư liệu: Ayesha Cantor
Cám cảnh với thực tế vừa trải qua, nhưng Ayesha Cantor vẫn có lòng tin vào công việc bảo tồn, đặc biệt là vào sự chung tay của những người trẻ: “Tôi rất cám ơn những người bạn Việt Nam, đặc biệt là những nhà bảo tồn như Trang đã cùng chung sức với chúng tôi để bảo vệ những gì còn sót lại trong thế giới hoang dã ở châu Phi. Tôi hi vọng các bạn trẻ Việt Nam sẽ cùng cất lên tiếng nói, giúp những người dân châu Phi, và giúp thiên nhiên châu Phi được an bình”.
Tác giả: Linh Đan
Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/