Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống

Thứ năm - 21/12/2023 22:47
Khu BTTN Pù Huống là đơn vị trong hệ thống hơn 160 rừng đặc dụng của cả nước, có tổng diện tích tự nhiên là 46.468,66 ha, có 135 thôn, bản vùng đệm với hơn 13.700 hộ; có trên 62.721 nhân khẩu; trên 31.549 lao động. Cuộc sống của người dân thuộc các thôn bản vùng đệm còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí và nhận thức chưa đồng đều. Vì vậy đã tạo ra không ít khó khăn đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, Năm 2023, Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống đã triển khai hỗ trợ cộng đồng cho 8 thôn, bản thuộc 8 xã nằm trên địa bàn vùng đệm của đơn vị thuộc địa giới hành chính của 5 huyện Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An từ nguồn kinh phí hỗ trợ cho cộng đồng vùng đệm theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2023 với mức hộ trợ 40 triệu đồng/thôn,bản. Mỗi thôn, bản được hỗ trợ đầu tư 40 triệu đồng/thôn/năm, khoản kinh phí này được chi cho các nội dung: Đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất (khuyến nông, khuyến lâm, giống cây, giống con, thiết bị chế biến nông, lâm sản quy mô nhỏ); hỗ trợ vật liệu xây dựng cho thôn, bản (đối với các công trình công cộng của cộng đồng như nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn bản, nhà văn hóa...).
Việc thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ cộng đồng vùng đệm được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân sống gần rừng, đáp ứng nguyện vọng thực tế của địa phương, góp phần giảm áp lực lên tài nguyên rừng, đất rừng Khu BTTN Pù Huống. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác quản lý bảo vệ rừng; cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng địa phương với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Triển khai thực hiện đầu tư hỗ trợ cộng đồng được thực hiện thông qua việc vận dụng linh hoạt các nội dung đầu tư để phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng khu vực và quan trọng hơn cả là đều xuất phát từ nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của bà con nhân dân trong các thôn, bản.
Hoạt động hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng dân cư vùng đệm được thực hiện theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020; Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025; Thông tư số 21/2023/TT-BTC ngày 14/4/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Từ năm 2013 đến nay Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống đã triển khai đầu tư hỗ trợ cho hơn 42 cộng đồng thôn, bản nằm trên địa bàn vùng đệm Khu BTTN Pù Huống với tổng số tiền hỗ trợ 1.680.000.000 đồng. Trong năm 2023, Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống đã tiến hành hỗ trợ và nghiệm thu hoàn 8 công trình hỗ trợ cộng đồng vùng đệm. Kết quả 8/8 thôn, bản hoàn thành xây dựng, lắp đặt 8 công trình cộng đồng bao gồm xây dựng dàn mát nhà cộng đồng bản, lắp đặt hệ thống đèn đường năng lượng mặt trời đường giao thông thôn, bản với tổng kinh phí 320 triệu đồng.
Với những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện hoạt động hỗ trợ cộng đồng có thể thấy rằng chương trình đã nhận được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân vùng đệm khu bảo tồn. Đời sống của người dân từng bước được nâng cao, ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của cộng đồng dân cư vùng đệm cũng được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, để kịp thời động viên, khuyến khích nhân dân gắn bó với rừng hơn nữa, Nhà nước vẫn cần có thêm những chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân sinh sống trong khu vực vùng đệm; đồng thời, tạo sinh kế bền vững để giúp họ yên tâm sản xuất và có điều kiện để tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng tốt hơn./.
Một số hình ảnh hỗ trợ cộng đồng thôn, bản vùng đệm:
 
Xây dựng dàn mát nhà cộng đồng bản Chiếng Huống – xã Quang Phong
 
Lắp đặt hệ thống đèn đường năng lượng mặt trời đường giao thông thôn tại xóm 1 – xã Nam Sơn
 
Cán bộ Pù Huống hướng dẫn bà con lắp đặt hệ thống đèn đường năng lượng mặt trời
 
Hình ảnh hệ thống đền năng lượng mặt trời lắp đặt tại đường giao thông bản Na Lạnh, xã Diên Lãm sau khi nghiệm thu công trình được bà con ghi lại

                                     Tác giả bài viết: Lê Thị Mai - Phòng KHKT-HTQT

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Thống kê
  • Đang truy cập369
  • Hôm nay23,901
  • Tháng hiện tại66,990
  • Tổng lượt truy cập4,249,656
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây