Khu BTTN Pù Huống với diện tích 40.223,55 ha rừng đặc dụng, 6.080,9 ha diện tích rừng phòng hộ và 207,813 ha rừng sản xuất. Nơi đây còn có nhiều loài động thực vật quý hiếm ghi nhận có tại Khu BTTN Pù Huống 564 loài động vật, trong đó 70 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và 1.806 loài thực vật đã được có 76 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Trung tâm văn phòng Khu BTTN Pù Huống đặt tại Khối 7, TT Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, với khuôn viên rộng 11,6 ha, được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trí khang trang, với khu vườn thực vật nhiều loài cây bản địa, như đưa du khách vào trong rừng tự nhiên. Ở đây điểm nhấn là Khe Lạnh, nguồn Khe kéo từ các xã miền núi Châu Tiến, Châu Hồng chảy ngầm qua các đỉnh núi về đây để hòa vào nguồn nước dòng sông Hiếu, tự nhiên ban tặng cho nguồn nước ngon khe luôn luôn trong và mát lạnh, là bãi tắm lý tưởng vào những ngày hè nắng nóng của những gia đình khu vực lân cận, một địa chỉ sẽ hứa hẹn dịch vụ du lịch trong tương lai.
Khe Lạnh, Khối 7, TT Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp
Nếu như từ Văn phòng Khu BTTN Pù Huống dọc theo quốc lộ 48C, cách khoảng 10km, trên trục đường chính vào các xã vùng lõi Pù Huống du khách đến với điểm du lịch tâm linh Đền Chọng, một ngôi đền có từ lâu đời. Hiện nay đã được tôn tạo và là điểm tâm linh lui tới của nhân dân trong và ngoài huyện.
Đền Chọng, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp
Thác Bản Bìa, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp
Trên tuyến đi cách quốc lộ 48C khoảng 2 km là khu vực thác Bản Bìa, thuộc xã Châu Lý, thuộc diện tích Khu BTTN Pù Huống quản lý. Ngọn thác cao gần 100m, nước chảy quanh năm, phù hợp cho những chuyến dã ngoại ngắn ngày, ở đây cũng đã dần hình thành các quán kinh doanh ẩm thực của người Thái để thu hút khách trong và ngoài vùng lui tới.
Tiếp tục hành trình theo quốc lộ 48C, đến với địa bàn Trạm QLBVR Bình Chuẩn thuộc đơn vị BQL Khu BTTN Pù Huống, quản lý với hơn 6000ha diện tích rừng đặc dụng, là địa bàn lý tưởng cho những ai yêu thích du lịch khám phá rừng tự nhiên. Trên tuyến hành trình khám phá rừng tự nhiên của xã Bình Chuẩn là Đập Thủy lợi Na Cọ, con đập ngăn nguồn nước Khe Cố.
Đập thủy lợi, bản Na Cọ, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông
Ngược theo dòng khe Cố là những đỉnh núi bao phủ là những cánh rừng tự nhiên bất tận với nhiều loài động thực vật quý hiếm, điểm nhấn cuối ngọn khe Cố là 2 con thác cao đó là Thác Canh Lình và Thác Canh Mò như tạo hóa tự nhiên ban tặng, những dải nước bung lụa như tuyết trắng, khung cảnh đẹp đẽ.
Thác Canh Lình, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông
Cách Trạm Bình Chuẩn 18km đến Trạm Nga My, quản lý diện tích rừng đặc dụng nhiều nhất với hơn 20.000ha. Điểm nhấn cho khu vực này ngoài những cánh rừng có thể nói nguyên sinh nhất còn lại trong diện tích rừng đặc dụng. Ngoài ra là điểm du lịch tham quan những bản làng dân tộc Thái nằm trọn trong diện tích rừng đặc dụng có 3 bản: Na Kho, Xốp Kho và Na Ngân. Nơi đây còn lưu giữ những nét đặc sắc về bản sắc văn hóa kiến trúc nhà ở, trang phục tự dệt thổ cẩm, văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán, ngôn ngữ. Cac phong tục như người phụ nữ thường xuyên mặc váy Thái, tổ chức Làm vía cho người ốm, lễ Sang Khan, uống rượu cần, các món ăn như: Nhọoc, Canh ột…Bao quanh các bản làng là những đỉnh núi cao với những cánh rừng tự nhiên.
Bản Na Ngân, xã Nga My, huyện Tương Dương
Nếu như từ Văn phòng Khu BTTN Pù Huống dọc theo quốc lộ 48D, cách khoảng 20 km, và cách quốc lộ chưa đầy 2 km về hướng Tây Nam hiện hữu là ngọn Thác Tiên, thuộc xã Châu Thành. Thác có 7 tầng, chiều cao khoảng hơn 100m. Là địa danh du lịch trong những ngày Hè nắng nóng của du khách để thăm quan Thác và tắm.
Thác Tiên, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp |
Tiếp tục hành trình theo quốc lộ 48D đến với 2 bảo vệ rừng, Trạm Diên Lãm thuộc xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu và Trạm Cắm Muộn thuộc xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong. Ở khu vực này du khách trải nghiệm với những chuyến đi khám phá những cánh rừng nguyên sinh, với nhiều loài động thực vật quý hiếm, Với đỉnh núi cao nhất của Pù Huống là đỉnh Pù Lon (1447 m so mức nước biển) thuộc địa phận xã Quang Phong, huyện Quế Phong, xen kẽ những đỉnh núi cao, nhiều con khe lớn là những thác nước tự nhiên.
Khu BTTN Pù Huống là một trong những điểm có nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch sinh thái của tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, hoạt động du lịch nơi đây chưa được đầu tư và phát triển, chưa có quy hoạch cụ thể nên khai thác hiệu quả kinh tế từ hoạt động du lịch là chưa có, chưa tương xứng với tiềm năng. Trong nhiệm vụ chính trị của Khu BTTN Pù Huống có phát triển du lịch sinh thái, việc đầu tư phát triển du lịch tại Khu BTTN Pù Huống thành điểm du lịch hấp dẫn sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự giao lưu văn hóa của địa phương, thu hút các dự án trong nước cũng như nước ngoài để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng lõi cũng như vùng đệm, tạo việc làm cho người dân địa phương; nâng cao ý thức về bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực, với tốc độ tăng dân số và đô thị hóa nhanh thì loại hình du lịch sinh thái hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai, với nguồn tài nguyên thiên nhiên và các thắng cảnh Khu BTTN Pù Huống hứa hẹn điểm đến cho du khách trong hành trình du lịch khám phá thiên nhiên./.