Kiến thức bản địa về phân bố các loài thú quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống

Thứ hai - 15/07/2024 22:01
Giới thiệu
Kiến thức sinh thái bản địa (local ecological knowledge - LEK) là một lĩnh vực đang được quan tâm trên thế giới. LEK được định nghĩa là một bộ kiến thức, thực hành và niềm tin được tích lũy theo thời gian dựa trên quan sát cá nhân và kinh nghiệm trong tương tác với các hệ sinh thái, và nó tiến hóa thông qua các quy trình thích ứng và truyền lại qua các thế hệ thông qua truyền thống văn hóa (Berkes, 1999, 2000; Huntington, 2000). Các ứng dụng tiềm năng của LEK trong bảo tồn từ việc thu thập thông tin sinh thái đến sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và bảo vệ tài nguyên. LEK đã được ứng dụng trong các chương trình bảo tồn giám sát dựa vào cộng đồng, người dân địa phương đã giúp trong việc quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động vật quý hiếm cũng như trong việc phát hiện và giám sát các loài xâm lấn trong khu vực của họ (Charnley et al., 2007; Joa et al., 2018; Braga-Pereira et al., 2022). Do vậy, hướng nghiên cứu này đã trở thành một hướng đi tiềm năng cho công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên nói chung và bảo tồn loài nói riêng (Charnley et al., 2007; Braga-Pereira et al., 2022).
Việt Nam là một điểm nóng quan trọng về đa dạng sinh học trên thế giới (Myers et al., 2000; Larsen, 2008; Marchese, 2015). Tuy nhiên, tốc độ suy giảm đa dạng sinh học ở Việt Nam đang ở mức báo động (Myers et al., 2000), nhiều loài động vật hoang dã của Việt Nam đang đối diện với nhiều mối đe dọa: Săn bắn, bẫy, bắt, và phá hủy sinh cảnh (Tilo Nadler, 2014; Covert et al., 2017). Hầu như tất cả các loài đang bị suy giảm về số lượng cá thể và các quần thể ghi nhận được đang bị cô lập. Bằng chứng hơn 90% các loài thú linh trưởng đang đứng trước bờ vực bị tuyệt chủng (Nadler & Roos, 2017). Hiện nay, sử dụng các phương pháp điều tra và giám sát truyền thống trên các quần thể Động vật hoang dã quý hiếm thường ghi nhận được ít kết quả. Do các loài thú thường có xu hướng thay đổi tập tính hoạt động về đêm để tránh các môi đe dọa bắt gặp từ con người. Khắc phục các nhược điểm trên, khảo sát bằng bẫy ảnh đang được sử dụng rộng rãi và đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu và giám sát đa dạng sinh học, đặc biệt ở những khu vực có địa hình phức tạp, khó tiếp cận (Tuan et al., 2017; Wearn & Glover-Kapfer, 2017). Dữ liệu từ bẫy ảnh có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, từ nghiên cứu hình thái, tập tính, cho đến tính toán số lượng cá thể, quần thể và đánh giá các mối đe dọa trực tiếp ảnh hưởng đến công tác bảo tồn tại địa phương (Caravaggi et al., 2017; Tuan et al., 2017; Wearn & Glover-Kapfer, 2017).
Mặc dù hiện trạng quần thể các loài Động vật hoang dã của Việt Nam ở các khu rừng đặc dụng đã được đánh giá tương đối đầy đủ về hiện trạng, số lượng, thành phần và phân bố của chúng. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu nghiên cứu về Kiến thức sinh thái bản địa kết hợp với các dữ liệu ghi nhận lại bằng các thiết bị chuyên dụng như bẫy ảnh, các dữ liệu thu nhận được từ kiến thức sinh thái mà người dân có được sẽ hữu ích cho việc xây dựng các chương trình giám sát và bảo tồn các loài Động vật hoang dã.
Xuất phát từ những lý do ở trên nghiên cứu trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa BQL Khu BTTN Pù Huống, Viện Công nghệ Hoá, Sinh và Môi trường và Liên minh vườn thú San Diego. Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2024, các cuộc điều tra phỏng vấn về kiến thức sinh bản địa của người dân địa phương liên quan đến các loài thú quý hiếm đã được thực hiện tại các xã vùng đệm bao quanh Khu BTTN Pù Huống.
Mục đích và tầm quan trọng
Mục đích của các cuộc điều tra phỏng vấn nhằm (i) xây dựng được danh lục các loài động vật hoang dã đã và đang sinh sống tại KBT, (ii) xác định được các khu vực ưu tiên để thiết lập hệ thống bẫy ảnh trong phạm vi KBT, (iii) đánh giá được các mối đe dọa ảnh hưởng đến sự phân bố của các loài động vật hoang dã, (iv) xây dựng bản đồ phân bố các loài và đề xuất giải pháp bảo tồn các loài thú tại Khu BTTN Pù Huống.
Kết quả khảo sát
Kết quả thu được từ các buổi lập bản đồ cộng đồng và phỏng vấn cá nhân cho thấy, người dân có một lượng kiến thức lớn về khu vực rừng sinh sống, bao gồm kiến thức về lưu vực, các loài thú có ghi nhận trước đây và ghi nhận hiện tại ở trong và ngoài Khu BTTN Pù Huống. Kết quả điều tra phỏng vấn cho thấy sự phong phú và đa dạng về các loài động vật tại Khu BTTN Pù Huống. Một số nhóm loài được ghi nhận bao gồm các loài Thú lớn: Gấu ngựa (Ursus thibetanus); thú Linh trưởng: Voọc xám (Trachypithecus crepusculus), Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys), Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides); thú Móng guốc: Mang đỏ (Muntiacus vaginalis), Sơn Dương (Capricornis sumatraensis), Lợn rừng (Sus scrofa); Nhím (Hystrix brachyura); và một số loài chim Gà rừng (Gallus gallus), Gà lôi trắng (Lophura nycthemera).
Ngoài những thông tin ghi nhận về loài, người dân còn cung cấp thêm một số thông tin về tập tính sinh thái học của loài, cũng như phân bố hiện tại của chúng trong KBT theo độ cao và theo sinh cảnh sống, cũng như các loài cây yêu thích đối với từng đối tượng và thông qua các mùa khác nhau. Các cuộc điều tra phỏng vấn cá nhân được thực hiện đối với nam giới và nữ giới. Qua quan sát ban đầu cho thấy nam giới có hiểu biết hơn so với nữ giới về các loài động vật hoang dã.
Các kết quả điều tra phỏng vấn là cơ sở để cho việc phát triển, định hướng và xây dựng kế hoạch điều tra bằng bẫy ảnh trong thời gian tới. Kết quả điều tra bằng bẫy ảnh sẽ cung cấp cơ sở khoa học và khẳng định sự hiện diện sự có mặt của các loài tại Khu BTTN Pù Huống.
Đánh giá và tương tác
Tại các buổi làm việc và điều tra phỏng vấn, Đoàn đã nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của chính quyền địa phương các Xã, Ban quản lý thôn, cộng đồng địa phương và các cán bộ Kiểm lâm địa bàn. Sự hợp tác của người dân địa phương đã cung cấp nhiều thông tin quý báu, hỗ trợ cho công tác nghiên cứu và bảo tồn các loài hiện có tại Khu BTTN Pù Huống.

Một số hình ảnh của Đoàn nghiên cứu
 
image 20240716090202 1
Ảnh 1. Đoàn chuyên gia lập bản đồ cộng đồng cùng với người dân địa phương tại thôn Cắm Pỏm, xã Cắm Muộn
 
image 20240716090202 2
Ảnh 2. Người dân địa phương xác định các vùng hiểu biết tại khu vực rừng sinh sống
 
image 20240716090202 3
Ảnh 3. Phỏng vấn Nữ giới về kiến thức sinh thái bản địa các loài động vật hoang dã hiện có tại khu Khu BTTN Pù Huống
 
image 20240716090202 4
Ảnh 4. Cán bộ phòng Khoa học hợp tác Quốc tế KBTTN Pù Huống, cán bộ Kiểm lâm địa bàn, chuyên gia và người dân địa phương tại thôn Cắm Pỏm xác định vùng hiểu biết của người dân và phân bố một số loài Động vật hoang dã
 
image 20240716090202 5
Ảnh 5. Ban quản lý thôn và người dân địa phương tại thôn Cắm Pỏm chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ phòng Khoa học hợp tác Quốc tế Khu BTTN Pù Huống, cán bộ Kiểm lâm địa bàn, chuyên gia.
 
 
Tài liệu tham khảo
Berkes, F. (1999) Sacred ecology: traditional ecological knowledge and resource management Taylor and Francis. London Science and the St Elias, 203.
Berkes, F. (2000) Sacred Ecology: Traditional Ecological Knowledge and Resource Management. In Taylor & Francis p. .
Braga-Pereira, F., Morcatty, T.Q., El Bizri, H.R., Tavares, A.S., Mere-Roncal, C., González-Crespo, C., et al. (2022) Congruence of local ecological knowledge (LEK)-based methods and line-transect surveys in estimating wildlife abundance in tropical forests. Methods in Ecology and Evolution, 13, 743–756.
Caravaggi, A., Banks, P.B., Burton, A.C., Finlay, C.M.V., Haswell, P.M., Hayward, M.W., et al. (2017) A review of camera trapping for conservation behaviour research. Remote Sensing in Ecology and Conservation, 3, 109–122.
Charnley, S., Fischer, A.P. & Jones, E.T. (2007) Integrating traditional and local ecological knowledge into forest biodiversity conservation in the Pacific Northwest. Forest Ecology and Management, 246, 14–28.
Covert, H.H., Duc, H.M., Quyet, L.K., Ang, A., Harrison-Levine, A. & Van Bang, T. (2017) Primates of Vietnam: Conservation in a Rapidly Developing Country. Anthropology Now, 9, 27–44.
Huntington, H.P. (2000) Using Traditional Ecological Knowledge in Science : Methods and Applications. Ecological Society of America, 10, 1270–1274.
Joa, B., Winkel, G. & Primmer, E. (2018) The unknown known – A review of local ecological knowledge in relation to forest biodiversity conservation. Land Use Policy, 79, 520–530. Elsevier.
Larsen, P.B. (2008) Linking Livelihoods and Protected Area Conservation in Vietnam: Phong Nha Kẻ Bàng World Heritage, Local Futures? People, Protected Areas and Global Change, 431–470.
Marchese, C. (2015) Biodiversity hotspots: A shortcut for a more complicated concept. Global Ecology and Conservation, 3, 297–309. Elsevier B.V.
Myers, N., Mittermeier, R.A., Mittermeier, C.G., Fonseca, G.A.B. da & Kent, J. (2000) Biodiversity hotspots for conservation priorities. Nature, 403, 853–858.
Nadler, T. & Roos, C. (2017) Impending extinction crisis of the world ’ s primates – Implications for Sắp xảy ra cuộc khủng hoảng tuyệt chủng các loài linh trưởng trên thế giới : Những gợi ý cho Việt Nam, 2, 25–35.
Tilo Nadler (2014) Habitat disturbance and loss, and the primates of Vietnam. In Primates of Vietnam (eds N. Tilo & D. Brockman), pp. 55–63. Endangered Primate Rescue Center, Cuc Phuong National Park, Vietnam.
Tuan, N.A., Minh, L.D., Thanh, N. Van, Tuan, N.N. & Timmins, R. (2017) Using Camera Trap for Biotic Survey in Bac Huong Hoa Nature Reserve, Quang Tri Province. VNU Journal of Science, 92–99.
Wearn, O.R. & Glover-Kapfer, P. (2017) Camera-trapping for conservation: a guide to best-practices. WWF Conservation Technology Series, 1, 181.

                                                       Tác giả bài viết: Võ Văn Nghĩa - Trạm QLBVR Cắm Muộn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Thống kê
  • Đang truy cập56
  • Hôm nay8,610
  • Tháng hiện tại413,511
  • Tổng lượt truy cập4,039,674
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây