Thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng – Thực hiện chia sẻ lợi ích để bảo vệ rừng hiệu quả và bền vững tại Ban quản lý khu BTTN Pù Huống.

Thứ tư - 13/12/2023 01:54
Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống nằm phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An có tổng diện tích tự nhiên là: 46.468,66 ha (trong đó rừng đặc dụng: 40.157,43 ha; rừng phòng hộ: 6.066,47 ha; rừng sản xuất: 210,38 ha, đất ngoài lâm nghiệp: 34,38 ha) trên địa giới hành chính của 15 xã thuộc 5 huyện gồm: Huyện Quỳ Hợp, huyện Con Cuông, huyện Tương Dương, huyện Quế Phong và huyện Quỳ Châu. Với độ che phủ che phủ rừng trên 98% giúp nâng cao khả năng giá trị phòng hộ đầu nguồn và cung cấp nguồn sinh thủy cho hồ thủy điện các nhà máy Khe Bố, Chi Khê, Nậm Pông và Nhãn Hạc. Đảm bảo nguồn nước tưới cho đất nông nghiệp, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho vùng hạ lưu; Bảo tồn được giá trị đa dạng sinh học và các giá trị dịch vụ môi trường rừng;  
Tổng số cán bộ công chức, viên chức và người lao động hiện có 55 người, trong khi diên tích quản lý rừng lớn, địa bàn quản lý rộng, phân tán trên địa bàn 5 huyện, trong khi đó lực lượng Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn thiếu, chưa đáp ứng với diện tích rừng được giao. Trong bối cảnh hiện nay nguồn vốn ngân sách phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng hạn chế thì nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế đã duy trì sự ổn định, góp phần giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời, tạo ra nhiều việc làm, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, đời sống của người làm nghề rừng, người bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào vùng núi cao, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, tăng độ che phủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh. 
Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thực hiện theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/9/2010, nay là Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 đang triển khai tại Ban quản lý khu BTTN Pù Huống được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên cơ sở tăng thu nhập từ rừng cho người dân sống gần rừng.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Ban quản lý khu BTTN Pù Huống là một trong những đơn vị tiên phong hưởng ứng và thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện chính sách, đơn vị chỉ mới thực hiện lập hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng lưu vực thủy điện Khe Bố chỉ với diện tích 7.206,7 ha trên địa bàn 4 xã thuộc 3 huyện Quỳ Hợp, Con Cuông và Tương Dương cho với 349 hộ gia đình nhận khoán, kinh phí thực hiện chi trả DVMTR hơn 1.432 triệu đồng. Sau khi thực hiện rà soát rà soát ranh giới, diện tích lưu vực và diện tích rừng lưu vực các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, năm 2023 tổng diện tích đưa và thiết kế lập hồ sơ giao khoán lý bảo vệ rừng đã trải dài trên địa bàn của 9 xã thuộc 5 huyện quản lý với 4 lưu vực thủy điện Khe Bố, Chi khê, Nậm Pông, Nhãn Hạc với diện tích 40.424,263 ha cho 23 cộng đồng (với 847 hộ gia đình tham gia) và 05 tổ bảo vệ rừng của các xã trên địa bàn với kinh phí thực hiện dự kiến năm 2023 là 6.050 triệu đồng. 
Trong công tác quản lý bảo vệ rừng, các cộng đồng sống gần rừng nhận khoán bảo vệ rừng chính là nguồn nhân lực có hiệu quả trong bối cảnh lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách đang còn hạn chế về số lượng. Để phát huy nguồn nhân lực này trong công tác quản lý bảo vệ rừng, hàng năm Ban quản lý khu BTTN Pù Huống đều thực hiện tốt công tác tập huấn, tuyên truyền pháp luật quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng dưới nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, văn phòng hạt kiểm lâm của đơn vị đã xây dựng mẫu chung dành cho các tổ đội của cộng đồng trong tuần tra bảo vệ rưng như: kế hoạch tuần tra, biên bản kiểm tra hiện trường, báo cáo tuần tra. Thông qua cán bộ kiểm lâm địa bàn hướng dẫn, các tổ tuần tra bảo vệ rừng đã hiểu rõ hơn về công việc tuần trabảo vệ rừng qua đó thực hiện tốt việc tuần tra, sau khi đi tuần tra về đều có báo cáo cụ thể đến cán bộ chuyên trách của đơn vị tại các trạm quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. 
Từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai, công tác quản lý bảo vệ rừng của khu bảo tồn có nhiều chuyển biến rõ rệt. Thông qua chính sách chi trả DVMTR, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các thành viên hộ nhận khoán bảo vệ rừng từng bước được nâng cao. Trước đây, không ít trường hợp bà con vào rừng đặc dụng khai thác lâm sản hay lấn chiếm đất rừng làm nương nhưng từ khi được giao quản lý, bảo vệ rừng thì tình trạng đó gần như không còn. Ngoài ra, việc chi trả DVMTR còn tạo điều kiện cho người dân gắn bó mật thiết với rừng, bà con đã coi rừng như một nguồn thu nhập đáng kể, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình. Ðiều đó giúp việc quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn rất nhiều.
Nguồn kinh phí và đơn giá thực hiện chương trình DVMTR đang được Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Nghệ An quan tâm hỗ trợ đơn giá giao khoán để người dân có mức tương đối trong nhận khoán bảo vệ rừng. Những năm đầu thực hiện chương trình DVMTR đơn giá chỉ mới 100.000 đ/ha. Qua nhiều năm thực hiện đơn giá đã có những điều chỉnh nâng lên để khuyến khích người dân hơn trong việc nhận khoán bảo vệ rừng đồng thời có thêm kinh phí để phát triển kinh tế của hộ gia đình. Đơn giá chi trả dự kiến chi trả trong năm năm 2023 là 150.000 đồng/1ha - 290.000 đ/ha đối với từng lưu vực thủy điện khác nhau. Mức chi trả DVMTR nhận bình quân mỗi cộng đồng khoảng 126.800.000 đồng.
Ông Lương Văn Dỡ trưởng bản Tạ, xã Quang Phong, huyện Quế Phong cho biết: Từ khi được Ban quản lý KBTTN Pù Huống giao cho cộng đồng bản quản lý lâm phần rừng đặc dụng theo hợp đồng thuê khoán bảo vệ rừng, mọi người dân trong bản đều ý thức giữ rừng và có trách nhiệm trong cộng đồng bản hơn. Cộng đồng bản Tạ chúng tôi bảo vệ 743,948 ha  rừng đặc dụng thuộc khoảnh 5-12 của tiểu  khu 150. Trong năm 2023 bản Tạ chúng tôi dự kiến được nhận hơn 194 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, trung bình 7,76 triệu đồng/hộ nhận khoán. Số tiền này chúng tôi đã họp và thống nhất chi cho công tác tuần tra bảo vệ rừng và một phần để phục vụ hoạt động chung của cộng đồng, bà con trong bản ai cũng phấn khởi, đồng lòng nhất trí. Ngay sau khi ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng với Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, bà con trong bản đã xây dựng quy chế tuần tra rừng nội bộ, tổ chức thành các tổ, nhóm cùng với lực lượng kiểm lâm địa bàn của Khu bảo tồn tham gia tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng.
Nhờ thực hiện tốt công tác khoán bảo vệ rừng theo chương trình chi trả DVMTR mà các năm trở lại đây các vụ vi phạm lâm luật trong khu bảo tồn ngày càng giảm rõ rệt, nhiều địa bàn nhiều năm liên tục không để xảy ra điểm nóng về khai thác lâm sản, săn bẫy động vật rừng trái phép, không xảy ra cháy rừng trên địa bàn…
Bên cạnh đó, ngoài nguồn vốn ngân sách đang hạn chế, nguồn thu từ DVMTR đã giúp khu bảo tồn có thêm kinh phí thực hiện được các nhiệm vụ nhằm bảo vệ và phát triển rừng. Hiện nay đơn vị đang có 9 hợp đồng tự trang trải, nhờ nguồn thu ổn định từ nguồn DVMTR mà đơn vị có một phần kinh phí chi trả lương và các chế độ khác đối với lực lượng này, giúp cán bộ an tâm công tác, bám rừng, bám dân để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng trên địa bàn. Ngoài ra, nguồn thu từ DVMTR chính là nguồn kinh phí để hỗ trợ cán bộ trong việc tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, mua sắm, sửa chữa các trang thiết bị phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, sửa chữa các trạm QLBVR khang trang hơn để các cán bộ yên tâm công tác….
 Có thể thấy, có thể thấy chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng, hỗ trợ kinh phí cho khu bảo tồn thực hiện các nhiệm vụ trong công tác bảo vệ, phát triển và quản lý rừng bền vững. 

 
Một số hình ảnh trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại khu bảo tồn:
 
Tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và chương trình chi trả DVMTR
 
Người dân vui vẻ trong việc ký hợp đồng bảo vệ rừng với khu bảo tồn
 
 
Hộ nhận khoán cùng cán bộ tuần tra bảo vệ rừng
 
 
Người dân nhận tiền Chi trả DVMTR từ khu bảo tồn
 
                                                                                    Tác giả bài viết: Võ Hồng Linh - Phòng KH-TC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Thống kê
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay12,981
  • Tháng hiện tại417,882
  • Tổng lượt truy cập4,044,045
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây