Thực hiện kế hoạch số 178/KH-PH ngày 06/5/2024 của Giám đốc Ban quản lý khu BTTN Pù Huống về kế hoạch chi trả tiền khoán bảo vệ rừng theo chương trình chi trả Dịch vụ môi trường rừng năm đợt 2 năm 2023. Đoàn chi trả Ban quản lý khu BTTN Pù Huống đã tiến hành chi trả tiền đã tiến hành chi trả tiền trên địa bàn 5 huyện: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Con Cuông, Tương Dương, và Quế Phong từ ngày 7/5/2024 đến hết ngày 24/5/2024.
Năm 2023, Ban quản lý khu BTTN Pù Huống đã lập hồ sơ thiết kế giao khoán quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn của 9 xã thuộc 5 huyện với 4 lưu vực thủy điện Khe Bố, Chi khê, Nậm Pông, Nhãn Hạc với diện tích 40.424,263 ha. Trong đó, đơn vị xác định cộng đồng sống gần rừng chính là nguồn nhân lực quan trọng trong công tác bảo vệ rừng và thực hiện giao khoán có hiệu quả thì đây chính là nguồn lực lớn trong bối cảnh lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đang còn hạn chế về số lượng trong khi diện tích quản lý rộng, nằm ở vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn. Chính vì vậy, năm 2023 đơn vị đã giao khoán 24.178,909 ha cho 23 cộng đồng (với 847 hộ gia đình tham gia) nhận khoán bảo vệ rừng với kinh phí chi trả hơn 3.387 triệu đồng.
Được sự quan tâm của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng và các ban ngành cấp trên, theo thông báo số 142/NAFF ngày 28/03/2024 của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An đối với các lưu vực hàng năm có đơn giá thấp như Khe Bố, Chi Khê và Nậm Pông thì đơn giá chi trả tiền DVMTR năm 2023 đối với phần diện tích không hưởng vốn ngân sách nhà nước được bù giá lên đến 200.000 đ/ha (mức cao nhất từ trước đến này), mức cao nhất từ trước đến nay. Chính vì vậy đã tăng lợi ích đến bà con của cộng đồng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, đã tạo được sự phấn khởi, niềm tin cho bà con từ việc tham gia nhận khoán bảo vệ rừng.
Ông Lương Văn Long - Trưởng bản kiêm đại diện cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng bản Cướm, xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu chia sẻ: “ Năm 2023 cộng đồng bản Cướm có 86 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng cho Ban quản lý khu BTTN Pù Huống với diện tích 2.567,612 ha. Để thực hiện tốt tuần tra bảo vệ rừng chúng tôi đã chia thành các tổ 5-6 người, thực hiện tuần tra theo kế hoạch đã được xây dựng định kỳ hàng tháng. Sau khi đi tuần tra về, các tổ đều có báo cáo cụ thể bằng văn bản gửi về kiểm lâm địa bàn của khu bảo tồn Pù Huống đóng trên địa bàn xã để kiểm tra, giám sát. Năm 2023, chúng tôi rất mừng khi đơn giá chi trả tiền năm nay cao hơn các năm trước. Ngoài nguồn tiền chương trình lâm nghiệp bền vững chúng tôi được hưởng lợi 420.467.000 đồng thì chúng tôi được hưởng thêm từ chương trình DVMTR 377.449.000 đồng theo cơ chế lồng ghép các nguồn vốn. Tổng cả bản một năm cộng đồng được Ban quản lý hỗ trợ 798.123.000 đồng để thực hiện bảo vệ rừng, mức thu nhập bình quân một hộ hơn 9.280.000 đ/năm. Và từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, chúng tôi ý thức rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của mình với rừng và thông qua nhận khoán bảo vệ rừng đã giúp người dân chúng tôi có thêm việc làm, tăng thu nhập”.
Việc triển khai chính sách chi trả DVMTR đã từng bước thay đổi nhận thức bảo vệ rừng của người dân. Trước đây, không ít trường hợp bà con vào rừng đặc dụng khai thác lâm sản hay lấn chiếm đất rừng làm nương nhưng từ khi được giao quản lý, bảo vệ rừng thì tình trạng đó gần như không còn. Ngoài ra, việc chi trả DVMTR còn tạo điều kiện cho người dân gắn bó mật thiết với rừng, bà con đã coi rừng như một nguồn thu nhập đáng kể, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình. Ðiều đó giúp việc quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn rất nhiều.
Có thể thấy, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển và quản lý rừng bền vững.
Một số hình ảnh trong thực hiện chi trả tiền DVMTR tại khu bảo tồn
Người dân tích cực tham gia tuần tra bảo vệ rừng và tham gia họp đầy đủ trong buổi chi trả tiền DVMTR của Ban quản lý khu BTTN Pù Huống
Kiểm lâm địa bàn đánh giá kết quả thực hiện khoán bảo vệ rừng của cộng đồng thôn bản trong năm 2023
Cộng đồng thôn bản phấn khởi khi được nhận tiền khoán bảo vệ rừng theo chương trình chi trả DVMTR năm 2023
Tác giả bài viết: Võ Hồng Linh - Phòng Kế hoạch - tài chính