Lên phương án bảo vệ rừng dịp Tết Nguyên đán

Thứ năm - 22/12/2022 22:11
Empty

Những tháng cuối năm cũng là mùa khô và gần Tết Nguyên đán, lực lượng quản lý bảo vệ rừng phải căng mình tuần tra. Ảnh: KS.

Căng mình giữ rừng dịp cuối năm

Những tháng cuối năm, lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải căng mình trong công tác kiểm tra, tuần tra, kiểm soát lâm sản và động vật rừng. Bên cạnh đó là kiểm tra rừng và truy quét lâm tặc tại các khu vực rừng có nguy cơ bị xâm hại, khai thác lâm sản trái pháp luật, cũng như phòng cháy chữa cháy rừng.

Tại Ban quản lý rừng Phòng hộ La Ngà (huyện Tánh Linh) hiện được giao quản lý, bảo vệ và phát triển hơn 19.848ha rừng (chủ yếu rừng tự nhiên) và đất rừng. Diện tích rừng nơi đây được chia thành 29 tiểu khu, với địa hình đồi núi cao hiểm trở, chia cắt bởi nhiều sông, suối, ao, hồ, nằm trên địa giới hành chính của 4 xã Bắc Ruộng, Huy Khiêm, Đồng Kho và La Ngâu thuộc khu vực Bắc sông huyện Tánh Linh và giáp ranh với các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm (Lâm Đồng), Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận).

Empty

Lực lượng bảo vệ rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà khiêng xe vượt sông đi tuần tra rừng. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà cho biết, hàng năm cứ vào dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, công tác quản lý bảo vệ rừng thường diễn biến phức tạp. Bởi lâm tặc và người dân hay lén lút vào rừng khai thác lâm sản đem bán để trang trải cuộc sống trong dịp tết.

Đây cũng là thời điểm người dân thường vào phát dọn diện tích nương rẫy sau thu hoạch để chuẩn bị cho mùa sau nên lợi dụng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, gây khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo ông Nguyễn Văn Tuyến, tại Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà xác định các khu vực giáp ranh với các huyện của tỉnh Lâm Đồng và huyện Hàm Thuận Bắc tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng thường xẩy ra hết sức phức tạp, do giá đất tại những khu vực này tăng cao đột biến.

Empty

Lực lượng tuần tra rừng qua đêm trong cảnh tạm bợ. Ảnh: KS.

Đồng quan điểm với ông Tuyến, ông Hồ Thiện Đang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cũng cho rằng, bước vào mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn sẽ đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đó, đối với vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng nạn lấn chiếm, chặt hạ rừng, đốt dọn lấy đất sản xuất hay khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật bằng các phương tiện xe hoán cải, xe độ chế luôn tiềm ẩn phức tạp, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Những vùng nổi lên thường xuyên trong thời gian qua là vùng giáp ranh giữa huyện Bắc Bình với các huyện Đức Trọng, Di Linh (Lâm Đồng).

Đối với khu vực nội tỉnh, tuy không còn xảy ra nạn phá rừng, khai thác lâm sản với quy mô lớn, song nạn khai thác lâm sản nhỏ lẻ; nạn đào, bứng gốc cây có nguồn gốc từ rừng tự nhiên để làm cây cảnh vẫn còn xảy ra trên địa bàn thuộc các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh.

Ngoài ra, nạn trồng trụ rào bao chiếm, lấn chiếm, tái lấn chiếm, đòi lại đất cũ hiện do các Ban quản rừng quản lý theo quy hoạch lâm nghiệp vẫn còn diễn ra, nhất là tại các khu vực ven biển.

Cùng với đó, tỉnh Bình Thuận với đặc điểm rừng khộp, loại rừng rụng lá vào mùa khô có diện tích chiếm gần 60% (200.000ha) diện tích có rừng toàn tỉnh, nên nguy cơ cháy rừng hầu như xảy ra mọi lúc, mọi nơi vào mùa cao điểm cháy.

Đối với công tác chống phá rừng vùng giáp ranh, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đề nghị UBND tỉnh xem xét chủ trương cho sử dụng nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng của các đơn vị chủ rừng có nằm trong lưu vực các Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, Cà Giây, Sông Mao để tiếp tục ký kết quy chế phối hợp trong năm 2022 với Trung đoàn bộ binh 994 – Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng, nhằm tăng cường thêm lực lượng quân đội tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh.

Empty

Các đơn vị chủ rừng lên kế hoạch bảo vệ rừng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Ảnh: MH.

Lên kế hoạch truy quét lâm tặc để bảo vệ rừng

Nhằm tăng cường trong công tác quản lý bảo vệ rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Văn Tuyến, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà cho biết, đơn vị đã chỉ đạo cho các tổ, trạm bảo vệ rừng thường xuyên bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình.

Chủ động phối hợp cùng với kiểm lâm phụ trách địa bàn, chính quyền địa phương và các hộ nhận khoán bảo vệ rừng tăng cường các biện pháp tổ chức kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng, đất rừng.

Cùng với đó, đơn vị đang chủ động xây dựng kế hoạch truy quét bảo vệ rừng, chống phá rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán để trình UBND huyện Tánh Linh ban hành quyết định, với lực lượng tham gia gồm chủ rừng, kiểm lâm và chính quyền địa phương.

Ngoài ra, tùy vào thời điểm cụ thể, đơn vị chủ động cùng Hạt Kiểm lâm và chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức truy quét bảo vệ rừng tại các khu vực có nguy cơ cao xẩy ra phá rừng, nhất các khu vực vùng giáp ranh, khu vực các lưu vực sông, suối, ao, hồ và khu vực có đường giao thông đi ngang qua.

Empty

Lực lượng bảo vệ rừng ăn cơm giữa rừng, thiếu thốn đủ thứ. Ảnh: MH.

Còn ông Hồ Thiện Đang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cho biết, Chi cục sẽ kiểm tra, rà soát việc xây dựng phương án truy quét chống phá rừng và phòng chống cháy rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán của các đơn vị chủ rừng và UBND xã, để làm sao bảo đảm về lực lượng, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với từng khu vực, lâm phần có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Từ đó, chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp phá rừng, cháy rừng xảy ra.

Kiểm lâm Bình Thuận cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về các quy định phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt, sẽ xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người đứng đầu cơ quan, đơn vị và chủ rừng trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và khi có cháy rừng xảy ra không có biện pháp tổ chức chữa cháy rừng.

Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận kiến nghị Sở NN-PTNT, UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, bố trí thêm biên chế cho lực lượng Kiểm lâm còn thiếu, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại các đơn vị chủ rừng, nhất là tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Dinh. Cùng với đó, tăng cường huy động nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương để hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, lực lượng kiểm lâm, lực lượng giao khoán ở cơ sở nhằm đáp ứng được nguồn nhân lực đủ mạnh, yên tâm, gắn bó trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Nguồn tin: Kim Sơ - Minh Hậu/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Thống kê
  • Đang truy cập108
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm107
  • Hôm nay10,525
  • Tháng hiện tại415,426
  • Tổng lượt truy cập4,041,589
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây