Toàn cảnh lớp tập huấn bảo tồn voi và biện pháp phòng ngừa hạn chế xung đột Voi – Người
Theo tài liệu về tình trạng bảo tồn voi Châu Á thì Việt Nam hiện có khoảng 109 - 134 cá thể voi phân bố trên 8 tỉnh là: Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai. Trong đó 03 khu vực số lượng đàn voi trên 10 cá thể đầy đủ đực cái có khả năng sinh sản là VQG Pù Mát (Nghệ An), VQG Yok Đôn – Ea Súp ( Đắc Lắc ), VQG Cát Tiên – KBTTNVH Đồng Nai. Voi có vòng đời khoảng 60 năm, mỗi con voi cái 4-5 năm mới mang thai 1 lần, mỗi lần mang thai khoảng 21 tháng. Theo các số liệu điều tra Voi Châu Á ở Việt Nam hiện nay có nguy cơ tuyệt chủng rất cao và được xếp bậc CR- rất quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), thuộc phụ lục 1B ( nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại ) của nghị định NĐ 06/2019/ NĐ-CP và danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo tồn ( phụ lục 1 của NĐ 160/2013/NĐ-CP).
Tại Nghệ An đã phát hiện voi sinh sống tại 5 khu vực. Nếu như ở VQG Pù Mát có hơn 10 cá thể đủ đực, cái sinh sống tại những nơi có sinh cảnh tốt nên ít xẩy ra xung đột với người thì tại khu vực giáp ranh vùng đệm Khu BTTN Pù Huống là xã Châu Phong, Châu Hạnh thuộc huyện Quỳ Châu thời gian gần đây thường xuyên xuất hiện 2 cá thể voi kiếm ăn ngay khu vực sinh sống của người dân. Theo thống kê từ UBND huyện Quỳ Châu thì trong hai tháng gần đây 2 cá thể voi đã xuất hiện 15 lần và gây thiệt hại trực tiếp cho người dân khoảng hơn 100 triệu đồng. Tại những khu vực này sinh cảnh và vùng hoạt động của voi ngày càng bị thu hẹp bởi tác động của con người nên Voi phải mở rộng phạm vi hoạt động để kiếm nguồn thức ăn. Voi xuất hiện tần số càng nhiều hơn ở khu vực canh tác của con người nên nguy cơ xẩy ra xung đột voi – người là thường xuyên hơn.
Đại biểu tham gia lớp tập huấn đóng góp ý kiến
Tại buổi tập huấn PGS.TS Nguyễn Xuân Đặng – Trung tâm Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu (CeREC) cùng các đại biểu tập trung vào các giải pháp để xua đuổi voi rừng tránh xung đột với con người và những thiệt hại mà voi gây ra. Hiện nay trên địa bàn Nghệ An đã thành lập 04 tổ đội phản ứng nhanh để giải quyết xung đột voi – người, các thành viên trong tổ đội được tập huấn chuyên môn, được cung cấp các trang thiết bị như GPS, máy ảnh tự động…để thực hiện nhiệm vụ tuần tra nắm bắt mọi hoạt động của đàn voi, kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương và người dân biết để tránh xung đột khi đàn voi xuất hiện, khi đàn voi xuất hiện đây cũng là lực lượng đi đầu triển khai các giải pháp cụ thể để đối phó với đàn voi.
Hiện nay thế giới đã áp dụng rất nhiều giải pháp để xử lý mối quan hệ giữa voi – người nhưng chưa có biện pháp nào hiệu quả triệt để mà chỉ là các giải pháp tạm thời. Bởi vậy các trung tâm bảo tồn, các cơ quan đoàn thể và chính quyền địa phương nơi có các cá thể voi sinh sống đang tiến hành thử nghiệm một số giải pháp để tránh xung đột voi - người, thực hiện chung sống với voi rừng bởi phương án di chuyển đàn voi là không khả thi, dễ xẩy ra rủi ro cho đàn voi. Một số biện pháp đang được triển khai có hiệu quả như: Gây tiếng động mạnh, đốt lửa, dùng ánh sáng mạnh… hay một số giải pháp gián tiếp như: Làm hàng rào Ong, đào hào ngăn voi, dăng dây thừng đã tẩm ớt cay và dầu, trồng các loại thức ăn mà voi không ăn như ớt, gừng, bông, chè…đây cũng là những biện pháp mà trên thế giới đã áp dụng.
Một số hình ảnh tập huấn bảo tồn voi và biện pháp phòng ngừa hạn chế xung đột Voi – Người
Tác giả: Nguyễn Đình Sỹ - Phòng Khoa học, kỹ thuật và HTQT