Khu BTTN Pù Huống là nơi có tính đa dạng sinh học cao trong đó có nhóm thực vật họ Ngọc lan, tuy nhiên cơ sở dữ liệu, sự hiểu biết, sự đa dạng loài, đặc điểm phân bố hay tình trạng bảo tồn nhóm thực vật trong họ Ngọc lan tại KBT Pù Huống còn rất hạn chế. Vậy nên các chương trình điều tra hay nghiên cứu về các loài trong họ Ngọc lan là rất cần thiết nhằm để xây dựng các cơ sở dữ liệu về thành phần loài, đặc điểm phân bố, xác định các tác động đến loài và từ đó đưa ra các biện pháp bảo vệ và quản lý thích hợp nhất.
Nghiên cứu đã ghi nhận được 11 loài thực vật trong 4 chi thuộc họ Ngọc lan, bao gồm các loài sau: Mộc lan hương (Magnolia albosericea Chun & C.H.Tsoong), Hoa trứng gà (Magnolia coco (Lour.) DC.), Mỡ (Manglietia conifera Dandy), Vàng tâm (Manglietia dandyi (Gagnep.) Dandy), Giổi đá (Manglietia insignis (Wall.) Blume), Giổi lông (Michelia balansae (DC.) Dandy), Giổi lá láng (Michelia foveolata Merr. ex Dandy), Giổi ấn độ (Michelia mannii King), Giổi xanh (Michelia mediocris Dandy), Giổi ăn hạt (Michelia tonkinensis A.Chev.) và Giổi lụa (Tsoongiodendron odorum Chun). Đợt điều tra năm 2024 đã bổ sung cho danh sách các loài thực vật họ Ngọc lan tại khu vực nghiên cứu 2 loài gồm: Vàng tâm (Manglietia dandyi (Gagnep.) Dandy), Giổi ấn độ (Michelia mannii King); Cập nhật lại tên khoa học loài Giổi ăn hạt - Michelia tonkinensis A.Chev., trong danh lục trước đây tại khu vực, loài được ghi nhận loài với tên là: Michelia hypolampra Dandy. Tiếp tục điều tra để xác thực phân bố của các loài: Giổi chevalier (Manglietia chevalieri Dandy), Giổi ford (Manglietia fordiana Oliv.), Mỡ vạng (Pachylarnax precalva Dandy). tại Khu BTTN Pù Huống.
Trong 11 loài phát hiện được trong đợt nghiên cứu, có 3 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, mức sẽ nguy cấp (VU) là Giổi lông, Giổi lụa, Vàng tâm. Có 8 loài nằm trong Danh lục Đỏ của IUCN, 2024, gồm 3 loài ở mức Sẽ nguy cấp (VU) là Mộc lan hương, Giổi lụa, Giổi ấn độ; 5 loài ở mức Ít lo ngại (LC) là Giổi lá láng, Mỡ, Giổi đá,Vàng tâm và Giổi xanh.
Tất cả các loài trong họ Ngọc lan phát hiện được tại khu vực nghiên cứu đều có giá trị sử dụng cao. 10 loài có công dụng lấy gỗ, gồm Giổi lông, Giổi lụa, Giổi lá láng, Giổi ấn độ, Giổi đá, Giổi xanh, Mỡ, Vàng tâm, Giổi lông và Mộc lan hương. 3 loài làm gia vị là Giổi lông, Giổi ăn hạt và Giổi xanh. 5 loài làm thuốc là Giổi lụa, Vàng tâm, Hoa trứng gà, Giổi ăn hạt và Giổi xanh. 2 loài làm cảnh là Giổi lụa và Hoa trứng gà.
Dạng sống của thực vật họ Ngọc lan tại khu vực nghiên cứu đa số là nhóm cây chồi trên (Ph), theo hệ thống phân loại Raunkiaer gồm: Chồi trên to (Mg): Giổi lụa, Giổi ấn độ, Giổi lá láng, Giổi đá, Giổi xanh, Giổi ăn hạt. Chồi trên nhỡ (Me): Vàng tâm, Giổi lông, Mỡ. Chồi trên nhỏ (Mi): Mộc lan hương. Chồi trên lùn (Na): Hoa trứng gà.
Nghiên cứu đã tiến hành điều tra trên 10 tuyến trải đều trên toàn bộ diện tích quản lý của Khu bảo tồn và đã phát hiện 165 điểm có loài thuộc họ Ngọc lan phân bố. Khu vực Cắm Muộn có phân bố nhiều loài trong họ Ngọc lan nhất (7 loài). Đây là khu vực thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của KBT, ở đai cao nhất từ 547m-1238m, thuộc kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mùa mưa nhiệt đới núi trung bình và núi thấp núi đất. Các loài trong họ Ngọc lan phân bố chủ yếu tại khu vực sườn núi và một số phân bố trên đỉnh giông núi.
Tại khu vực có thực vật họ Ngọc lan phân bố, các loài cây gỗ chiếm ưu thế mọc cùng các loài trong họ Ngọc lan tại khu vực nghiên cứu là Vỏ mản, Xoan nhừ, Sao mặt quỷ, Táu muối, Ngát, Dẻ, Vàng anh, Mã rạng, Mọ, Bưởi bung, Chay, Trám, Kháo, Máu chó, Thừng mực, Phân mã, Re, Vạng trứng,.. Tại một số khu vực có thực vật họ Ngọc lan phân bố, rừng ít nhiều đã bị tác động và đang có trong quá trình phục hồi. Chiều cao trung bình của tầng cây tái sinh từ 0,5-1m, đa số là tái sinh từ hạt, chất lượng sinh trưởng tốt. Các loài tái sinh chủ yếu là Sao mặt quỷ, Dẻ, Xoan nhừ, Táu muối, Vỏ mản, Máu chó,….Trong đó đã phát hiện được 13 cá thể thuộc họ Ngọc lan chiếm 5.50% tổng số các cây điều tra. Các loài thuộc họ Ngọc lan phát diện trong các ô dạng bản chủ yếu là Vàng tâm, Giổi lông và Giổi xanh, các loài chủ yếu là cây tái sinh có triển vọng, tái sinh bằng hạt, chất lượng tái sinh tốt.
Các mối đe dọa đến họ Ngọc lan trong khu vực là Do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu những tác động đó; Do thiên tai như bão, lũ, xói mòn, sạt lở đã khiến cho một số cây bị bật gốc, gãy đổ,…; Do sự cạnh tranh giữa các loài thực vật, do sâu bệnh hại một số cây bị sâu bệnh, Do hoạt động khai thác gỗ và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ trái phép; Do một số tuyến đường được xây dựng sát với Khu BTTN; Chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng rừng; Do ý thức và nhận thức của một số bộ phận người dân; Do điều kiện kĩ thuật, nhân lực cho các hoạt động bảo vệ rừng còn hạn chế; Đội ngũ cán bộ trong các trạm kiểm lâm còn mỏng, phương tiện hỗ trợ điều tra quản lý còn hạn chế.
Các biện pháp quản lý và bảo tồn loài thực vật họ Ngọc lan cho khu vực nghiên cứu Bảo vệ nguyên vẹn các sinh cảnh rừng tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái tại khu BTTN Pù Huống. Đặc biệt lưu ý bảo vệ khu vực có nhiều loài Ngọc lan phân bố như Cắm Muộn, Xiêng my, Diễn Lãm, Nga My; Tạo các điều kiện sinh cảnh tự nhiên phù hợp để các loài trong họ Ngọc lan phát triển; Kiểm soát và ngăn chặn các mục đích chuyển đổi rừng trái phép đặc biệt là ở những khu vực có các loài Ngọc Lan quý hiếm;Ưu tiên thực hiện nghiên cứu và nhân giống gây trồng bảo tồn và phát triển các loài trong họ Ngọc Lan quý hiếm tại khu vực; Xúc tiến tái sinh của một số loài quý hiếm, có giá trị bảo tồn cao trong họ Ngọc lan như: Vàng tâm, Giổi lụa, Giổi lông, Giổi lụa... Trồng dặm chúng vào các khu vực phù hợp với đặc tính sinh học, sinh thái của loài; KBT cần phối hợp với các cơ quan ban ngành của tỉnh và địa phương hỗ trợ người dân: kỹ thuật và giống vốn để bảo tồn chuyển chỗ các loài thực vật thuộc bộ Ngọc lan quý hiếm hoặc có giá trị kinh tế cao; Giao khoán rừng cho các hộ dân sống quanh khu vực, gắn lợi ích của việc bảo vệ rừng với người dân sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm và ý thức của người dân góp phần thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ rừng; Xây dựng chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của các loài trong họ Ngọc Lan; Nâng cao đời sống cho người dân địa phương một số giải pháp bảo tồn khu hệ. Để nâng cao đời sống của người dân địa phương; Phối hợp với các bên liên quan thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ rừng và bảo tồn nguồn gen của các loài thực vật có giá trị bảo tồn cao trong họ Ngọc lan.
Các kết quả tổng hợp trên của đơn vị đã được Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 1124/QĐ-SNN.KHTC ngày 30 tháng 12 năm 2024 về việc phê duyệt báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ: Điều tra, đánh giá hiện trạng và xây dựng giải pháp bảo tồn thực vật họ Ngọc Lan (Magnoliaceae)tạiKhu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống.
Một số hình ảnh thu được trong quá trình thực hiện:
Người tổng hợp: Võ Minh Sơn - Giám đốc