Trạm quản lý bảo vệ rừng Cắm Muộn – Quế Phong

Chủ nhật - 15/10/2023 23:44
Để đảm bảo thuận lợi và đạt kết quả cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, trạm QLBVR Cắm Muộn được xây dựng tại bản Piêng Cắm, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, bên cạnh đường quốc lộ 48D (Tân Xuân – Châu Thôn), cách UBND xã Cắm Muộn 1,5km, cách UBND huyện Quế Phong 30Km. Trạm QLBVR Cắm Muộn được xây dựng khang trang, kiến cố gồm: 01 ngôi nhà cấp 4 ba gian, 01 ngôi nhà bếp cấp 4 hai gian, khu vực vệ sinh, giàn mát, chỗ để xe, có vườn cây lâu năm và khu vực chăn nuôi, vườn tăng gia sản xuất. Trạm là nơi làm việc và sinh sống của cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
 
nghia 16 10 1Vị trí đại lý của trạm Cắm Muộn
 
BQL Khu BTTN Pù Huống được thành lập và đi vào hoạt động năm 2002, triển khai thực hiện nhiệm vụ và các hoạt động; năm 2004 trạm QLBVR Cắm Muộn được thành lập và thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng vùng lõi khu BTTN Pù Huống nằm trên địa bàn huyện Quế Phong. Khi mới thành lập tập thể trạm đối mặt với muôn vàn khó khăn về cơ sở vật chất, với rất nhiều thiếu thốn như: “Thiều điện sáng, thiếu thông tin liên lạc, ngay cả nước sinh hoạt hàng ngày cũng thiếu”; Đối mặt với rất nhiều áp lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng từ những phong tục tập quán của người dân địa phương (canh tác nương rẫy, sinh sống trong vùng lõi, săn bẫy động vật rừng, khai thác lâm sản…) cũng như nhận thức của người dân đang còn nhiều hạn chế. Nhưng bằng sức trẻ, lòng nhiệt huyết và trách nhiệm của bản thân, các cán bộ Kiểm lâm luôn bám rừng, bám địa bàn tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức trong công tác QLBVR vì vậy an ninh rừng luôn được đảm bảo, người dân sống trong rừng tự tháo dỡ lán trại trở về với bản làng và cach tác bền vững. Những địa danh cư trú như: Huối Phừng, Na Bón, Huồi Lúc… nơi đại ngàn Pù Huống đã không còn. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển cùng đơn vị, Trạm QLBVR Cắm Muộn giờ khoác lên mình diện mạo mới khang trang hơn, sạch đẹp hơn với cơ sở hạ tầng đồng bộ. 
Hiện nay, cơ cấu tổ chức của trạm gồm 04 đồng chí (01 trạm trưởng, 01 trạm phó, 01 kiểm lâm viên và 01 cán bộ hợp đồng) thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ Kiểm lâm địa bàn cũng như các nhiệm vụ của cấp trên giao phó như: “Tham mưu cho Ban quản lý, Hạt kiểm lâm Pù Huống, chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ rừng, thực hiện các chương trình, dự án quản lý rừng bền vững và sinh kế lâu dài cho người dân vùng đệm”. Để đạt được hiệu quả cao trong công tác QLBVR, trạm luôn chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng tháng về tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng trên lâm phần được giao tại địa bàn. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát lâm phần, phát hiện ngăn chặn và đề nghị xử lý các vi phạm về: chặt phá rừng làm nương rẫy; săn bắt và buôn bán động vật hoang dã; khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm, khoáng sản trái phép; thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Phối hợp với các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị thực hiện: công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cộng đồng nhận khoán; thực hiện các chương trình, dự án phát triển vùng đệm. Phối hợp với Kiểm lâm địa bàn, thôn bản, xã và các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Chính vì vậy trong thời gian qua tình hình an ninh rừng trên địa bàn luôn được đảm bảo, chất lượng rừng ngày càng tăng lên. Qua điều tra, nghiên cứu về sinh vật rừng tại Pù Huống đã phát hiện rất nhiều loài thực vât quý hiếm ở nơi đây như: Pơ Mu, Sa Mu, Thông Nàng… và là nơi cư trú của nhiều loài động vật có trong sách đỏ Việt Nam như: Gà lôi trắng, Gà tiền mặt vàng, Khỉ mặt đỏ…..góp phần bảo tồn nhiều nguồn gen quý hiếm, tạo nên sự đa dạng chung của hệ sinh thái rừng Pù Huống. Đặc biệt trong năm 2023 trạm đã phối hợp Hạt Kiểm lâm Pù Huống và các phòng ban đến các bản vùng đệm tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, tổ chức hội nghị vùng đệm khu BTTN Pù Huống tại UBND xã. Thực hiện khoán bảo vệ rừng theo Chương trình dịch vụ môi trường rừng tại 03 bản vùng đệm xã Quang Phong gồm bản Quyn, Chiếng Huống và bản Tạ, hỗ trợ xây dựng dàn mát nhà văn hóa cộng đồng bản Chiếng Huống với số tiền 40 triệu đồng theo QĐ24/2012/QĐ –Ttg ngày 01/6/2012 của thủ tướng chính phủ về chính sách đầu tư và phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 -2020. Từ đó trách nhiệm và ý thức của người dân được nâng cao, an ninh rừng được đảm bảo, người dân hai xã vùng đệm được hưởng lợi từ rừng bằng sinh kế bền vừng mà rừng đem lại.
image 20231016103305 2
 
image 20231016103305 3

Trạm QLBVR Cắm Muộn quản lý trực tiếp tổng diện tích 4.386,30 ha rừng đặc dụng và 10,27 ha đất ngoài lâm nghiệp, bao gồm 04 tiểu khu (147,148,149,150) cùng 13 mốc ranh giới (Từ 11-13 và từ 56-65) nằm trên địa bàn hành chính xã Quang Phong, huyện Quế Phong; vùng rừng đặc dụng tiếp giáp với các xã: Châu Hoàn huyện Quỳ Châu, Cắm Muộn huyện Quế Phong, Yên Tĩnh, Nga My huyện Tương Dương. Địa bàn vùng đệm được giao quản lý 2 xã 14 bản: bản Tạ, bản Cào, bản Chiêng Huống, bản Quyn, bản Pảo, bản Cu, bản Tin Pú, bản Nậm Xài của xã Quang Phong; bản Bố, bản Mòng, bản Đón Phạt, bản Pún, bản Cắm của xã Cắm Muộn. Với đặc thù địa hình nhiều đồi núi và hệ thống khe suối dày đặc, rừng đặc dụng nơi đây điển hình 2 kiểu rừng là rừng á nhiệt đới núi thấp và rừng kín thường xanh nhiệt đới với hệ sinh thái động, thực vật phong phú và đa dạng. Đây là khu vực còn lại nhiều diện tích rừng nguyên sinh chứa đựng hệ sinh thái đặc thù cho dải Bắc Trường Sơn có mức độ đa dạng động thực vật khá cao với nhiều loài nguy cấp, quý hiếm. Là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái rừng đặc dụng Pù Huống kết nối với VQG Pù Mát và Khu BTTN Pù Hoạt tạo thành vành đai xanh Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
Xã Cắm Muộn và xã Quang Phong là hai xã vùng đệm của Khu BTTN Pù Huống cách trung tâm huyện Quế Phong 25km, là những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Quế Phong. Đường sá đi lại khó khăn với nhiều cung đèo hiểm trở, giao thương buôn bán rất khó khăn, đây là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc khác nhau như: Kinh, Thái, Khơ Mú… Địa hình ở đây chủ yếu là đồi, núi đá  cao nên diện tích đất canh tác nông nghiệp rất ít. Thu nhập chủ yếu của người dân là từ chăn nuôi, trồng cây phụ trợ và dựa vào các sản phẩm từ rừng mang lại nên đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy để quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn cần có những chương trình hỗ trợ, phát triển sinh kế bền vững vùng đệm, phát huy tối đa nguồn lợi từ rừng Pù Huống mang lại cho người dân. Trong những năm qua được sự quan tâm của lãnh đạo BQL Khu BTTN Pù Huống, trạm đã triển khai các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong thời gian tới với những chính sách mới về ngành lâm nghiệp sẽ nâng cao vai trò của Khu BTTN Pù Huống nói chung và trên địa bàn trạm QLBVR Cắm Muộn quản lý nói riêng.
Từ những những kết quả đã đạt được trong quá trình hình thành và phát triển, trạm QLBVR Cắm Muộn luôn nỗ lực để xứng đáng là lực lượng nòng cốt phát triển  ngành lâm nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tập thể trạm luôn phát huy truyền thống yêu ngành, yêu nghề, cố gắng, nỗ lực, đổi mới tư duy, chủ động, sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; chủ động xây dựng kế hoạch hành động, tích cực trong các phong trào thi đua, phát huy sức mạnh tổng hợp, đoàn kết nội bộ, phấn đấu góp phần hoàn thành và vượt các chỉ tiêu trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của đơn vị.
Tác giả bài viết: Võ Văn Nghĩa - Trạm Cắm Muộn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Thống kê
  • Đang truy cập65
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm64
  • Hôm nay16,321
  • Tháng hiện tại50,693
  • Tổng lượt truy cập658,814
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây