Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống – viên ngọc xanh của miền Tây Nghệ An, là một trong những khu vực quan trọng trong chiến lược bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước ta. Đây không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị sinh thái quý giá, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xanh theo định hướng của Đảng.
Quang cảnh Văn phòng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống nhìn từ trên cao
Nằm giữa những cánh rừng nguyên sinh trù phú, Pù Huống là ngôi nhà của hàng ngàn loài động thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Việc bảo vệ và phát triển khu bảo tồn không chỉ mang ý nghĩa sinh thái mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm sinh kế cho cộng đồng địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Quang cảnh vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống
Nằm ở vùng núi phía Tây tỉnh Nghệ An, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống được ví như một viên ngọc quý, nơi hội tụ của vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ và hệ sinh thái đa dạng.
Năm 1986, để bảo vệ hai loài cây gỗ quý hiếm là Pơ Mu và Sa Mộc, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký quyết định số 194 ngày 09/8/1986 chính thức công nhận Pù Huống là Khu bảo tồn thiên nhiên với quy mô diện tích 5000 hecta (ha), nhưng trải qua một thời gian dài sau đó Khu bảo tồn Pù Huống vẫn chưa được thành lập. Đến năm 1995, Viện điều tra quy hoạch rừng thuộc Bộ lâm nghiệp đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Nghệ An tiến hành điều tra, khảo sát lại các yếu tố tự nhiên và xã hội, kết quả cho thấy Pù Huống có đủ điều kiện tiêu chuẩn để xây dựng một khu bảo tồn thiên nhiên với quy mô lớn hơn do còn giữ được một diện tích rừng tự nhiên lớn, ít bị tác động bởi con người và có giá trị đa dạng sinh học cao, đặc biệt vào thời điểm loài Sao la - là một trong những loài thú quý hiếm nhất trên thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào vừa được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992 mà Pù Huống là một trong những khu vực phân bố quan trọng của loài này nên được các nhà quản lý, bảo tồn quan tâm.

Lễ khởi công xây dựng trụ sở Văn phòng BQL Khu BTTN Pù Huống năm 2002
Pù Huống không chỉ là nơi trú ngụ của nhiều loài động, thực vật quý hiếm mà còn mang trong mình giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc. Những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, những dòng suối trong vắt uốn lượn như những dải lụa và âm thanh của núi rừng tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Với hệ thống 7 trạm quản lý bảo vệ rừng trải dài khắp khu vực, công tác giám sát, tuần tra bảo vệ rừng được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái. Cộng đồng dân cư với 135 thôn, bản, hơn 13.700 hộ và tổng số trên 62.721 nhân khẩu, trong đó có hơn 31.549 lao động, đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Họ không chỉ là những người hưởng lợi từ rừng mà còn là lực lượng nòng cốt trong công cuộc gìn giữ và bảo tồn giá trị thiên nhiên. Hệ thống 7 trạm quản lý bảo vệ rừng cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng đã tạo nên lá chắn vững chắc trước các nguy cơ xâm hại tài nguyên rừng. Mô hình phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và nhân dân địa phương không chỉ giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng mà còn phát huy vai trò của nhân dân trong quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Trạm Quản lý bảo vệ rừng Nga My, huyện Tương Dương
Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có 44.724,64 ha diện tích có rừng, tương đương với 96% tổng diện tích khu bảo tồn. Pù Huống có hai kiểu rừng chính: rừng thường xanh đất thấp và rừng thường xanh núi thấp. Rừng thường xanh đất thấp phân bố độ cao từ 400 đến 900 m. Kiểu rừng này ít bị tác động và ưu thế bởi các loài thuộc họ Dầu như Sao mặt quỷ, Táu lá nhỏ. Rừng thường xanh núi thấp phân bố ở độ cao trên 900m.
Bách xanh - Calocedrus macrolepis Kurz
Hệ thực vật tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống khá đa dạng và phong phú. Kết quả điều tra mới nhất hệ thực vật Pù Huống ghi nhận 1.806 loài và dưới loài, thuộc 772 chi, 194 họ của 6 nghành thực vật khác nhau, trong đó đã xác định được 103 loài và dưới loài có nguy cơ tuyệt chủng, 76 loài có trong Sách Đỏ Việt Nam, 39 loài nằm trong danh mục Nghị định 06/2019/NĐ-CP, 15 loài nằm trong danh mục IUCN (2017).
Các loài thực vật quan trọng tại khu bảo tồn chủ yếu là các loài cây gỗ có giá trị kinh tế cao như: Pơ mu, Sến Mật, Nghiến, Lát hoa, Giổi, Vàng tâm, Giáng hương... Đây cũng chính là những loài cây gỗ quý của Việt Nam, do đó cần phải có biện pháp bảo vệ và phát triển những loài cây này.
Khỉ mốc- Macaca assamensis
Hệ động vật Pù Huống ghi nhận có 568 loài, thuộc 117 họ, 29 bộ thuộc các lớp Thú, Chim, Bò sát ếch nhái và Cá. Trong đó Khu hệ động vật có 69 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam 2007: Cấp CR có 4 loài, Cấp EN có 22 loài, Cấp VU có 25 loài, Cấp LR có 16 loài, Cấp DD có 2 loài và 64 loài được ghi trong Nghị định 32/CP năm 2006.
Tại Pù Huống hoạt động tuần tra bảo vệ rừng không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm, của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách mà còn là một hành trình bền bỉ đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Công tác tuần tra bảo vệ rừng được triển khai thường xuyên, liên tục không chỉ nhằm phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm như khai thác rừng trái phép hay săn bắt động vật hoang dã, mà còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong mỗi người dân. Đây là minh chứng rõ nét cho sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, giữa trách nhiệm và lòng yêu quý môi trường sống. Sự đồng hành ấy không chỉ giúp bảo vệ rừng tốt hơn mà còn tạo nên một mối quan hệ hài hòa, bền vững giữa thiên nhiên và con người.

Hoạt động tuần tra bảo vệ rừng có sự tham gia của cộng đồng
Bên cạnh các hoạt động bảo vệ trực tiếp, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đang chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo tồn. Với nhiều chương trình tập huấn, đào tạo cán bộ nguồn cùng các chuyên gia quốc tế, Ban Quản lý đang từng bước nâng cao năng lực nghiên cứu, hướng đến phát triển bền vững và tham gia vào thị trường tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế.
Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống còn tiên phong trong ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác giám sát và bảo tồn đa dạng sinh học. Các phương pháp hiện đại như eDNA, bẫy ảnh, trí tuệ nhân tạo (AI) đã được áp dụng để theo dõi sự thay đổi của hệ sinh thái, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên rừng theo hướng số hóa, hiện đại hóa.
Điều tra, giám sát đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh…..
Ngoài ra, những vật phẩm được thu thập còn được gửi tới các trung tâm bảo tồn lớn trên thế giới để cùng nhau phân tích, hỗ trợ nhằm hướng đến bảo vệ môi trường theo xu thế hội nhập toàn cầu.
Những nỗ lực trong việc bảo tồn, bảo vệ và phát triển khu bảo tồn đã giúp Pù Huống ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng hệ sinh thái và phát triển bền vững. Đây là một điểm đến ý nghĩa, nơi con người và thiên nhiên cùng hòa quyện trong sự sống hài hòa.
Ở đây không thể không nhắc đến tầm quan trọng của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, được coi là người “gác cổng”, đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ và gìn giữ một trong những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao nhất của Nghệ An, các cán bộ của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đang không ngừng nỗ lực trong việc cân bằng giữa phát triển bền vững và bảo tồn môi trường.
Không chỉ chịu trách nhiệm quản lý tài nguyên rừng, bảo vệ động thực vật quý hiếm, Ban Quản lý còn tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực như trồng rừng thay thế, bảo vệ đa dạng sinh học, truyền thông giáo dục môi trường trong cộng đồng và quản lý tài nguyên tự nhiên hiệu quả đã và đang góp phần bảo vệ "lá phổi xanh" quý giá của khu vực.

Một buổi truyền thông giáo dục môi trường tại cộng đồng
Với sự nỗ lực không ngừng, các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, tái tạo rừng và nâng cao nhận thức cộng đồng đã được triển khai mạnh mẽ, mang lại những giá trị thiết thực cho cả tự nhiên và con người, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên
Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tầm nhìn dài hạn cho sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, hướng đến một tương lai bền vững cho thế hệ mai sau.
Đặc biệt, với chủ trương phát triển kinh tế xanh, Pù Huống đang từng bước kết nối với các chương trình hợp tác quốc tế, tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, tạo ra nguồn lực bền vững cho bảo tồn thiên nhiên. Đây là bước đi chiến lược trong thời đại mới, vừa bảo vệ môi trường, vừa mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho cộng đồng địa phương. Pù Huống đã đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế như Vườn thú San Diego (Mỹ), các nhà khoa học trong và ngoài nước. Hoạt động hợp tác đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khoa học ứng dụng cho công tác điều tra và giám sát đa dạng sinh học, tăng cường năng lực kỹ thuật và khả năng tiếp cận các công nghệ hiện đại, như EDNA hay trí tuệ nhân tạo (AI) và còn tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu tiên tiến, và tài nguyên dữ liệu. Hiện nay, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống đang phối hợp với Viện Công nghệ Hóa sinh và Môi trường, cùng Vườn thú San Diego, triển khai sử dụng bẫy ảnh để đánh giá toàn diện khu hệ động vật tại khu bảo tồn. Bước đầu thử nghiệm từ tháng 03 năm 2024 đến tháng 06 năm 2024, hệ thống bẫy ảnh đã ghi lại được nhiều loài trong khu bảo tồn như: Khỉ mặt đỏ, Gà tiền mặt vàng,Thú móng guốc, mèo rừng, gà lôi trắng, Cầy giông sọc, Lợn Rừng, mang thường, Chồn vàng, cầy móc cua, Gà Rừng,.....

“Diễn đàn hoạch định chiến lược bảo tồn” được tổ chức tại Pù Huống tháng 3/2024
Đến với Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, du khách không chỉ được hòa mình vào vẻ đẹp hoang sơ của rừng núi mà còn có cơ hội khám phá Nhà Bảo tàng Thiên nhiên và Văn hóa mở Pù Huống – một điểm đến đầy kỳ thú. Nơi đây là sự kết hợp hài hòa giữa giá trị thiên nhiên và văn hóa, tọa lạc trong khu vực văn phòng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Bảo tàng là nơi lưu giữ và giới thiệu những giá trị nổi bật về đa dạng sinh học, trưng bày các mẫu vật động thực vật đặc trưng của hệ sinh thái rừng Pù Huống, từ các loài cây gỗ quý, thảo dược đến những động vật quý hiếm đang được bảo tồn. Không chỉ vậy, đây còn là không gian tái hiện đời sống văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân cư vùng đệm, bao gồm đồng bào dân tộc Thái, Thanh, Ơ Đu.
Nhà Bảo tàng Thiên nhiên và Văn hóa mở Pù Huống không chỉ lưu giữ những giá trị quý giá mà còn là cầu nối đưa con người đến gần hơn với thiên nhiên, đồng thời lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường và trân trọng di sản văn hóa. Đây chắc chắn là một điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên và muốn khám phá nét đẹp văn hóa địa phương.
Một góc nhà bảo tàng thiên nhiên văn hóa mở Pù Huống
Ẩn mình giữa những dãy núi trùng điệp phía Tây Nghệ An, vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống không chỉ là bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ mà còn là nơi hội tụ những giá trị văn hóa độc đáo. Những lễ hội truyền thống phản ánh đời sống tinh thần phong phú, thể hiện sự gắn kết sâu sắc giữa con người với thiên nhiên, là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa thiên nhiên và con người.
Nhận thức rõ tiềm năng của vùng đệm, mô hình du lịch cộng đồng đang được đẩy mạnh, tạo ra những cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho người dân. Người dân địa phương không chỉ là những hướng dẫn viên tận tâm, giới thiệu vẻ đẹp của rừng, mà còn gìn giữ những tinh hoa văn hóa, từ nghề dệt thổ cẩm, chế biến mật ong đến ẩm thực truyền thống. Du khách đến đây không chỉ tận hưởng thiên nhiên hoang sơ mà còn được hòa mình vào đời sống bản địa, lắng nghe những câu chuyện về núi rừng, về tổ tiên và phong tục lâu đời.
Thác bản Bìa – Xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp (Ảnh. Nguyễn Vân Trường)
Nhìn về tương lai, Pù Huống hướng tới chiến lược phát triển bền vững, gắn kết bảo tồn thiên nhiên với sinh kế cộng đồng. Khu bảo tồn không ngừng đổi mới trong công tác quản lý, áp dụng các giải pháp tiên tiến để bảo vệ hệ sinh thái. Việc ứng dụng công nghệ trong giám sát rừng, nghiên cứu đa dạng sinh học và mở rộng hợp tác khoa học sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần duy trì sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng đệm thông qua mô hình sinh kế bền vững là mục tiêu quan trọng. Khi cộng đồng được hưởng lợi từ rừng, họ sẽ trở thành những người bảo vệ rừng tốt nhất.
Hỗ trợ hệ thống điện chiếu sáng công cộng cho cộng đồng vùng đệm
Pù Huống – không chỉ đơn thuần là một khu bảo tồn thiên nhiên, mà còn là một minh chứng sống động cho sự gắn kết giữa con người và môi trường. Mỗi cánh rừng được bảo vệ, mỗi dòng suối vẫn trong lành chính là thành quả của những nỗ lực bền bỉ, không ngừng nghỉ của bao thế hệ. Con đường bảo vệ và phát triển rừng bền vững vẫn còn dài, nhưng với sự chung tay của cộng đồng, sự hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước, cùng những bước tiến vượt bậc trong khoa học và công nghệ, Pù Huống sẽ tiếp tục là niềm tự hào, là biểu tượng của một tương lai xanh cho thế hệ mai sau. Hành trình này không chỉ gìn giữ thiên nhiên mà còn nuôi dưỡng khát vọng sống hài hòa với môi trường, vì một thế giới bền vững hơn.
Quang cảnh vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (Ảnh. Nguyễn Vân Trường)
Với tầm nhìn chiến lược và sự chung tay của toàn xã hội, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống không chỉ là lá phổi xanh của Nghệ An mà còn là biểu tượng cho sự phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên, hướng tới một Việt Nam xanh và bền vững theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước và xu thế thời đại.
Tác giả bài viết: Trần Đức Long - Phòng Khoa học kỹ thuật & HTQT