Được thành lập vào năm 2004, đi vào hoạt động từ năm 2005, Trạm quản lý bảo vệ rừng Châu Hồng có nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng phòng hộ và thực hiện một số chương trình dự án lâm nghiệp của nhà nước trên địa bàn 3 xã Châu Hồng, Châu Thành và Châu Tiến. Năm 2005, trụ sở của trạm được xây dựng tại bản Poòng (xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp) nằm cạnh tỉnh lộ 532, cách trụ sở UBND xã Châu Hồng 3km, cách thị trấn Quỳ Hợp 20km. Trạm được xây dựng kiên cố gồm: 01 ngôi nhà cấp 4 ba gian, 01 ngôi nhà bếp hai gian, khu vực vệ sinh, giàn mát, có vườn tăng gia sản xuất. Bước đầu đã trang bị đủ phòng làm việc và nơi ăn nghỉ của các cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn các xã mà trạm quản lý. Đến năm 2020 thực hiện quyết định số 4042/QĐ-UBND ngày 12/11/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về việc sáp nhập ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp vào ban quản lý Khu BTTN Pù Huống. Hiện nay trạm QLBVR Châu Hồng trực thuộc BQL Khu BTTN Pù Huống.
Khi mới thành lập tập thể trạm gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhiều thiếu thốn như: Không có nhà trạm để cán bộ ăn ở và sinh hoạt phải đi mượn nhà dân để nghỉ ngơi và sinh hoạt sau những ngày đi tuần tra rừng. Trong thời gian đó cán bộ trạm đối mặt với rất nhiều áp lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng từ những phong tục tập quán của người dân địa phương, như khai thác lâm sản, phát rừng làm rẫy, đào đãi khoáng sản, người dân sinh sống trong rừng phòng hộ để trồng các loại hoa màu, ... nhận thức của một số người dân đang còn nhiều hạn chế. Nhưng bằng sức trẻ, lòng nhiệt huyết và trách nhiệm của bản thân, các cán bộ bảo vệ rừng luôn bám rừng, bám địa bàn tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức trong công tác quản lý bảo vệ rừng, vì vậy an ninh rừng luôn được đảm bảo, người dân sống trong rừng, ven rừng ngày một có ý thức hơn trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Trải qua muôn vàn khó khăn vất vả trong quá trình xây dựng và phát triển. Trạm QLBVR Châu Hồng giờ đây được sự quan tâm của lãnh đạo Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống, cơ sở vật chất được đầu tư nhiều hơn trước với diện mạo mới khang trang hơn, sạch đẹp hơn với hạ tầng đảo bảo cho cán bộ trạm yên tâm và thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Cán bộ trạm QLBVR Châu Hồng phối hợp tuần tra rừng.
Trạm QLBVR Châu Hồng với cơ cấu tổ chức của trạm gồm 04 đồng chí, gồm 01 trạm trưởng, 01 trạm phó và 01 kiểm lâm viên và 01 cán bộ bảo vệ rừng, thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn 4 xã và các nhiệm vụ của cấp trên giao như: Tham mưu cho Ban quản lý, Hạt kiểm lâm Pù Huống, chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ rừng, thực hiện các chương trình, dự án quản lý rừng bền vững và sinh kế lâu dài cho người dân vùng đệm. Để đạt được hiệu quả cao trong công tác QLBVR, trạm luôn chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng tháng về tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng trên lâm phần được giao tại địa bàn. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát lâm phần, phát hiện ngăn chặn và đề nghị xử lý các vi phạm về: chặt phá rừng làm nương rẫy; săn bắt và buôn bán động vật hoang dã; khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép; thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Phối hợp với các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị thực hiện: công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cộng đồng nhận khoán; thực hiện các chương trình, dự án phát triển vùng đệm. Phối hợp với Kiểm lâm địa bàn, thôn bản, 04 xã và các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Chính vì vậy trong thời gian qua tình hình an ninh rừng trên địa bàn luôn được đảm bảo, chất lượng rừng ngày càng tăng lên.
Trong năm 2023 trạm đã phối hợp Hạt Kiểm lâm Pù Huống và các phòng ban đến các thôn bản vùng đệm tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng, thực hiện giao khoán bảo vệ rừng theo Chương trình phát triển rừng bền vững tại 08 bản trên địa bàn 4 xã với tổng số 107 hộ dân nhận khoán. Người dân trên địa bàn được hưởng lợi từ rừng bằng sinh kế bền vững mà rừng đem lại, từ đó trách nhiệm và ý thức của người dân được nâng cao, an ninh rừng được đảm bảo.
Truyền thông bảo tồn động vật hoang dã cho người dân vùng đệm
Trạm được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn 4 xã Châu Cường, Châu Thành, Châu Hồng, Châu Tiến với tổng diện tích là 3.410,92 ha trong đó có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, thuộc Ban QL khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống quản lý.
Biểu thống kê diện tích, các tiểu khu trên địa bàn các xã.
TT |
Địa bàn xã |
Diện tích (ha) |
Các tiểu khu |
1 |
Châu Cường |
1005,79 |
287A; 288A |
2 |
Châu Thành |
429,41 |
272B; 277 |
3 |
Châu Hồng |
856,48 |
267; 283 |
4 |
Châu Tiến |
1119,28 |
263; 266; 273 |
Hầu hết những diện tích rừng phòng hộ mà trạm quản lý là khu vực giáp với rừng 163 của người dân trên địa bàn, giáp ranh với rừng phòng hộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu. Trong đó diện tích tiếp giáp với rừng 163 chủ yếu là rừng trồng và rừng non phục hồi, rừng hỗn giao gỗ và nứa, đơn điệu tổ thành loài, chất lượng rừng kém và dễ bị tác động của con người như xâm lấn đất rừng.
Vì vậy, để làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, trạm Châu Hồng đã thực hiện tốt các công văn chỉ đạo của cấp trên, lập kế hoạch đi tuần tra bảo vệ rừng tận gốc đồng thời tổ chức các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng đi kiểm tra rừng theo kế hoạch của trạm đề ra, để từ đó kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm đến rừng.
Tổ nhận khoán tuần tra bảo vệ rừng
Hàng năm trạm Châu Hồng đã làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn, không để hiện tượng khai thác gỗ trái phép cũng như xâm lấn mới đất rừng phòng hộ. Tuy nhiên, do lịch sử để lại trên địa bàn trạm quản lý đang có hơn 30 ha đất rừng phòng hộ bị người dân xâm lấn để trồng cây Keo nguyên liệu và một số hoa màu khác, đến nay đã đến tuổi khai thác mà không được phép của cấp có thẩm quyền cho khai thác, vì vậy gây không ít khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Các xã trên địa bàn có nhiều tuyến giao thông huyết mạch, đi lại khá thuận lợi, thế nhưng đời sống của người dân trên địa bàn vẫn còn khó khăn, thiếu quỹ đất sản xuất, người dân ở đây vẫn sống dựa vào rừng. Áp lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là nguy cơ xâm lấn vào rừng phòng hộ để trồng rừng sản xuất, khai thác gỗ để làm nhà ở, săn bẫy động vật hoang dã, thu hái các loại lâm sản ngoài gỗ ở rừng đặc dụng là luôn hiện hữu. Chính vì vậy để quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn cần có những chương trình hỗ trợ, phát triển sinh kế bền vững vùng đệm, phát huy tối đa các giá trị từ rừng Pù Huống mang lại cho người dân. Trong những năm qua được sự quan tâm của lãnh đạo BQL Khu BTTN Pù Huống, trạm đã triển khai các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong thời gian tới với những chính sách mới về ngành lâm nghiệp sẽ nâng cao vai trò của Khu BTTN Pù Huống nói chung và trên địa bàn trạm QLBVR Châu Hồng nói riêng. Trải qua muôn vàn khó khăn nhưng tập thể trạm quản lý bảo vệ rừng Châu Hồng luôn luôn xác định công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn là nhiệm vụ hàng đầu, luôn đổi mới tư duy chủ động và sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tác giả bài viết: Hồ Quốc Dân - Trạm QLBVR Châu Hồng