Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (thuộc tỉnh Nghệ An) là một trong những khu vực có giá trị sinh thái cao, với hệ động thực vật phong phú và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học cũng như hệ sinh thái của khu vực Tây Nghệ An. Vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Huống trải rộng trên 125 bản, 15 xã thuộc 5 huyện miền núi, với hơn 13.700 hộ dân sinh sống, phần lớn là người dân tộc Thái (chiếm 90%) nên khu bảo tồn thường phải đối mặt với những thách thức như khai thác tài nguyên quá mức, xâm lấn rừng, săn bắt động vật hoang dã, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh đó, truyền thông bảo vệ môi trường, quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại các xã vùng đệm đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức cộng đồng, tạo động lực cho các hành động bảo vệ thiên nhiên, môi trường.
Với mục đích nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học khu vực, Ban quản lý khu BTTN Pù Huống đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông hiệu quả. Năm 2023, các chiến dịch tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã tại 9 thôn bản và khóa đào tạo kỹ năng giáo dục truyền thông cho cán bộ quản lý đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng.
Tiếp nối thành công, năm 2024, Ban quản lý đã phối hợp cùng Công ty TNHH Tư vấn Nông Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức 10 đợt truyền thông đa dạng sinh học, vai trò tầm quan trọng của bảo vệ rừng bảo tồn đa dạng sinh học, nói không với rác thải nhựa tại 10 xã vùng đệm Khu BTTN Pù Huống. Các đợt tuyên truyền đã thu hút gần 1.500 lượt người tham dự, góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức của người dân. Thông qua các chiến dịch truyền thông, người dân bắt đầu hiểu rõ hơn về tác hại lâu dài của rác thải nhựa, suy giảm đa dạng sinh học. Các hành động nhỏ như sử dụng túi vải, hộp đựng thực phẩm thay thế túi nilon, tái sử dụng chai nhựa dần trở thành thói quen, không sử dụng các sản phẩm lấy từ rừng. Một số thôn bản đã cam kết thành lập câu lạc bộ xanh, tạo tiền đề cho các hoạt động bảo vệ môi trường bền vững. Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, các hoạt động này đã tạo dựng ý thức trách nhiệm trong cộng đồng, giúp người dân chủ động hơn trong việc gìn giữ môi trường sống. Đây chính là yếu tố quan trọng để xây dựng một cộng đồng văn minh, sống hòa hợp với thiên nhiên.
Truyền thông tại các xã vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống không chỉ đơn thuần là việc cung cấp thông tin mà còn là công cụ thay đổi nhận thức và hành vi, từ đó tạo động lực cho các hành động bảo vệ môi trường. Với sự tham gia tích cực của cộng đồng, truyền thông sẽ trở thành cầu nối vững chắc để xây dựng một cộng đồng có trách nhiệm với thiên nhiên, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học vốn có của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
Hành trình thay đổi ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sự kiên trì, phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và sự tham gia tích cực của người dân. Thông qua các đợt truyền thông hiệu quả của Khu bảo tồn, các cộng đồng vùng đệm khu bảo tồn không chỉ nhận thức rõ hơn về những giá trị cốt lõi của tài nguyên thiên nhiên xung quanh mình mà còn hiểu rằng mỗi hành động, dù nhỏ, đều có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động thực tế đã cho thấy sức mạnh của việc lan tỏa thông điệp truyền thông một cách đúng đắn. Người dân tại các xã vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống không chỉ ý thức được vai trò bảo vệ rừng mà còn chủ động tham gia vào các hoạt động bảo tồn, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã và phát triển bền vững. Họ đã và đang trở thành những người bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ngay trên chính quê hương mình. Đây là minh chứng cho thấy, sức mạnh của cộng đồng đối với bảo vệ môi trường, quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Một số hình ảnh diễn ra trong đợt truyền thông lần này
Người dân cam kết chung tay bảo vệ môi trường
Người dân cam kết nói không với rác thải nhựa
Người dân hưởng ứng chiến dịch truyền thông
Người dân hưởng ứng chiến dịch truyền thông
Hoạt động phân loại và tái sử dụng rác thải
Hoạt động phân loại rác thải nhựa
Hưởng ứng ngày hội truyền thông
Tác giả bải viết: Lê Thị Mai - Phòng KHKT&HTQT